MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu dự sự kiện biểu dương khen thưởng 100 “Gia đình công nhân viên chức lao động Thủ đô tiêu biểu” năm 2022. Ảnh: MQ/CĐVN

Phát huy giá trị văn hoá gia đình trong bối cảnh hiện nay

ThS Lý Viết Trường - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN LDO | 28/06/2022 07:24

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 10.1959, tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng vì xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. 

Văn hóa gia đình Việt Nam

Văn hóa gia đình có nhiều cách hiểu khác nhau, theo PGS.TS Lê Ngọc Văn - Viện Gia đình và Giới: “theo nghĩa rộng, là tất cả những dấu ấn để lại trong đời sống vật chất, tinh thần được biểu hiện thông qua các mối quan hệ, cấu trúc, chức năng, sinh hoạt, đời sống tâm linh… Những dấu ấn đó được duy trì lâu bền qua thời gian, trở thành truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức, tâm lý, chi phối hành vi, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với xã hội, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Theo nghĩa hẹp, văn hóa gia đình là các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của đời sống gia đình mà mỗi thành viên trong gia đình phải chấp nhận tuân theo và có nghĩa vụ thực hiện. PGS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng: “Văn hóa gia đình thuộc về phạm trù những cái đúng, cái tốt, cái đẹp, đối lập với những cái sai, cái không tốt, cái xấu hay cái văn hóa đối lập với cái phản văn hóa”.

Hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống mang đậm yếu tố văn hóa phương Đông, đó là hệ quả của văn minh nông nghiệp, văn hóa xóm làng. Trong đó, người ta nhấn mạnh tình yêu thương giữa các thành viên, điều đó thể hiện thông qua sự quan tâm, chăm sóc hàng ngày và sự hy sinh không tính toán. PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam theo những xu hướng sau: Quy mô gia đình nhỏ dần; vai trò cá nhân được đề cao; lợi ích vật chất được khẳng định; bình đẳng, dân chủ được nhấn mạnh; nhu cầu của cuộc sống hiện tại được đáp ứng”.

Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa gia đình

Từ năm 1986, nước ta bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp đó là công cuộc xây dựng đất nước theo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Việt Nam từ một nước nông nghiệp với nền kinh tế thấp kém, đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình.

Trong bối cảnh hiện nay gia đình Việt Nam đang có những biến đổi lớn, đó là: Chức năng giáo dục của gia đình đang bị ảnh hưởng, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít; mối quan hệ liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày một xa cách, lỏng hẻo hơn; mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về tư tưởng và lối sống; tư tưởng đề cao cá nhân, sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình được tôn trọng…

Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa gia đình với phát triển bền vững xã hội, các cuộc vận động “Gia đình văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được thực hiện nhiều thập kỷ qua. Ngày 14.6.2022, phát biểu giải trình tại phiên thảo luận Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện thành công chủ trương xây dựng văn hóa gia đình, thì việc kế thừa và tiếp nối, nâng tầm và phát triển các giá trị văn hóa gia đình truyền thống để hình thành nên những giá trị mới tốt đẹp hơn là mục tiêu của phát triển bền vững. Trong xã hội đương đại hiện nay, nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống vẫn được duy trì và củng cố, phát huy trong bối cảnh xã hội đương đại.

Theo PGS.TS Từ Thị Loan, phần lớn các gia đình hiện nay vẫn duy trì “nếp nhà” truyền thống, nền nếp, kỷ cương, phép tắc được tôn trọng. Trong quan hệ với cha mẹ, đạo hiếu vẫn là đạo lý sống của người Việt. Trong quan hệ vợ chồng, ngoài tình yêu thì tình nghĩa là giá trị cốt lõi. Trong quan hệ với con cái, đức hy sinh và lòng bao dung là lẽ sống. Trong quan hệ với anh em, hòa thuận, thương yêu và đùm bọc là điều cần thực hiện. Trong quan hệ với họ hàng, đoàn kết và tương trợ là cội nguồn của phát triển.

Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào tốt thì xã hội mới tốt, do đó sự ổn định của xã hội, sự phát triển của quốc gia phụ thuộc vào sự phát triển của văn hóa gia đình. Văn hóa trong gia đình đang vận động, đổi mới để thích ứng với yêu cầu của bối cảnh đất nước hiện nay. Kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp nhận và bổ sung những giá trị mới của xã hội để phù hợp với xu thế phát triển của toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn