MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát ngôn bất hợp lý của BH Media khi thu tiền bản quyền bài “Tiến Quân Ca”

H. Hương LDO | 06/11/2021 09:56

Trước những tranh cãi quanh việc “trục lợi bản quyền” các tác phẩm trên nền tảng số, trong đó có ca khúc “Tiến Quân Ca” - BH Media đã có những phản hồi chưa hợp lý.

Sau khi VTV phản ánh việc BH Media bằng cách thu tiền và trục lợi từ bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số, BH Media đã có những phản hồi.

Tuy nhiên, theo Luật sư về Sở hữu Trí tuệ - Trần Thị Tám (Công ty IPCom), trong phát ngôn của đại diện BH Media đang có những điểm chưa hợp lý.

"Tác phẩm hiến tặng cho Nhà nước, Nhà nước là chủ sở hữu"

Với một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh được truyền đạt đến công chúng, nếu còn thời hạn bảo hộ, sẽ có ít nhất hai đối tượng được bảo hộ, một là quyền tác giả được bảo hộ cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, hai là quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình bảo hộ cho chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình và bảo hộ quyền nhân thân cho những người trực tiếp tạo ra sản phẩm đó như diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công…

BH Media phát ngôn chưa thuyết phục - theo Luật sư Trần Thị Tám phân tích. Ảnh: VTV

Trong phát ngôn của bà Lâm Oanh – Đại diện Công ty BH Media có nói, với tác phẩm “Tiến Quân Ca”, nhạc sĩ Văn Cao luôn có quyền tác giả với tác phẩm. “Bất kỳ ai muốn sử dụng tác phẩm cũng phải thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm “Tiến Quân Ca” cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này.

Điều đó đồng nghĩa với việc, kể từ thời điểm hiến tặng trở đi, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm cũng sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa. Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi “Tiến Quân Ca” thì theo Luật Sở hữu Trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan)” – bà Lâm Oanh nói.

Theo luật sư Trần Thị Tám, suy luận của bà Lâm Oanh – Đại diện BH Media là chưa hợp lý. Bởi, “Một tác phẩm đã được hiến tặng cho nhà nước thì nhà nước là chủ sở hữu, trường hợp này hoàn toàn khác với  tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền khai thác tác phẩm thuộc về công chúng như tác phẩm của một số nhạc sĩ cổ điển đã mất ít nhất là 50 năm.

Cho nên, đối với “Tiến Quân Ca”, tại thời điểm hiện tại bất kỳ tổ chức, cá nhân nào muốn tạo bản ghi âm, ghi hình mới cho tác phẩm này về nguyên tắc phải xin phép Nhà nước Việt Nam, có thể không phải trả phí sử dụng do có những quy định riêng về tác phẩm này theo quy định cụ thể của Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch.

Nếu dựa trên sự suy luận của BH Media thì sẽ không thể giải quyết được câu hỏi: tổ chức cá nhân nước ngoài ghi âm cũng được sở hữu bản ghi hợp pháp mà không cần phải xin phép hay sao?”.

Ai là chủ đầu tư sản xuất bản ghi "Tiến Quân Ca" cho Hồ Gươm Audio?

Trong phát ngôn giải thích cho việc can thiệp vào quyền liên quan của bản ghi âm “Tiến Quân Ca” của Hồ Gươm Audio, bà Lâm Oanh cho biết: “Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu. Theo đó, bản ghi “Tiến Quân Ca” do Hồ Gươm Audio sản xuất, tức là Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi”.

BH Media khẳng định đã được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác tác phẩm, bản ghi “Tiến Quân Ca” trên YouTube.

“Do đó, khi BH Media đưa bản ghi “Tiến Quân Ca” của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu ai đó upload video sử dụng chính xác bản ghi “Tiến Quân Ca” do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube mới gửi thư thông báo xác nhận bản quyền. Còn nếu người dùng đăng tải bản ghi “Tiến Quân Ca” do họ tự đầu tư sản xuất khác với bản của Hồ Gươm Audio, thì YouTube sẽ nhận diện bản quyền”.

Nếu Hồ Gươm Audio không phải chủ đầu tư sản xuất bản ghi âm “Tiến Quân Ca” thì phát ngôn của BH Media đang bị thiếu cơ sở. Ảnh: TL

Về phát ngôn này, Luật sư Trần Thị Tám phân tích: “Bản ghi tác phẩm "Tiến Quân Ca" do BH Media gắn định danh trên YouTube là do Hồ Gươm Audio sản xuất thì rõ rồi. Nếu Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu bản ghi âm này thì việc xin phép sử dụng và trả phí sử dụng bản ghi âm là hợp lý. Tuy nhiên, người sản xuất không có nghĩa họ cũng đồng thời là chủ đầu tư sản xuất nên sản phẩm đó, mà pháp luật quy định chủ sở hữu mới là người đầu tư để sản xuất ra bản ghi âm, ghi hình.

Do vậy, chúng ta cũng cần phải xem xét ai đầu tư sản xuất và sản xuất trong trường hợp nào để xác nhận chủ sở hữu đích thực của bản ghi âm này. Nếu việc sản xuất không phải do Hồ Gươm Audio đầu tư (theo quan điểm của tôi thời điểm hiện tại rất khó xác định) thì tuyên bố của BH Media là thiếu cơ sở”.

Trước đó năm 2015, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, từng đề xuất thu phí bản quyền khi được sử dụng ca khúc "Tiến Quân Ca" để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật đã gây tranh cãi trong dư luận. Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị dừng việc thu tiền bản quyền tác phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn