MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bán đảo Sơn Trà bị cắt khoảng 40% đất rừng để làm dự án nghỉ dưỡng. Ảnh: LÊ TUẤN

Phát triển du lịch gây sức ép lên “rừng vàng, biển bạc”

THUỲ TRANG LDO | 24/10/2019 14:30

Những hoạt động như lặn biển ở Nha Trang hay đặt những khu nghỉ dưỡng, thậm chí là xẻ đất trên Sơn Trà, Đà Nẵng vừa được công bố cho thấy, phát triển du lịch đang gây sức ép lên công tác bảo tồn, khiến nhiều tài nguyên biến mất.

Cắt đất rừng để dựng biệt thự, khu du lịch

Giữa tháng 8.2019, thanh tra đã có kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Qua đó cho thấy, khu bảo tồn thiên nhiên hiếm hoi giữa lòng thành phố đã bị xâu xé nghiêm trọng, đất rừng bị cắn xén, sang tay.

Bán đảo Sơn Trà được biết đến là khu vực tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển và đô thị, có các yếu tố về cảnh quan môi trường, bảo tồn tự nhiên, với hệ sinh thái đa dạng, phong phú trong đó có loài quý hiếm thuộc Sách Đỏ như Voọc chà vá chân nâu...

Đến thời điểm thanh tra, UBND TP.Đà Nẵng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - nơi có lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển du lịch và có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh.

Các cơ quan, đơn vị chức năng cũng chưa thực hiện điều tra, đánh giá tổng thể về đa dạng sinh học, chưa lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học trên Bán đảo Sơn Trà theo quy định, chưa thực hiện báo cáo tình trạng loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại đây.

Đặc biệt, tại Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20.8.2008, UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng bán đảo Sơn Trà với diện tích là 2.591,1ha, trong khi diện tích UBND thành phố trình và được Bộ NNPTNT thẩm định là 3.871ha, điều đó đồng nghĩa với việc 1.279,9ha đất rừng đã đưa vào các dự án từ biệt thự cá nhân đến du lịch nghỉ dưỡng.

Nhiều chủ đầu tư khởi công xây dựng các dự án dù chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa có giấy phép xây dựng… Thậm chí, dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa, chủ đầu tư nhận bàn giao mặt bằng rồi xẻ thành 33 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đưa vào ngân hàng.

Đáng nói, tất cả những dự án trên tại Sơn Trà đều được xưng danh là “phát triển du lịch”.

Các khu bảo tồn biển kêu cứu

Không chỉ có những khu rừng như Sơn Trà bị xâm hại mà phát triển du lịch và kinh tế tại các khu bảo tồn biển cũng đang gặp sức ép lớn cho “biển bạc” của Việt Nam. Tại hội nghị do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tổ chức vừa qua, các chuyên gia đánh giá, sau gần 10 năm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các khu bảo tồn biển, mọi thứ vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Đặc biệt, những nơi như Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quốc là những điểm rất “nóng” về việc khu bảo tồn biển bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các cơ sở du lịch. Trong khi đó, các khu bảo tồn biển chưa có lực lượng kiểm ngư, tuần tra phối hợp không hiệu quả nên tình hình vi phạm pháp luật vẫn diễn ra phổ biến.

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - chỉ ra thực tế: “Việc xây dựng các công trình ven biển, đảo phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế du lịch cùng lượng trầm tích lớn đưa vào môi trường nước đã giết chết hàng loạt các tập đoàn san hô ở những rạn gần kề. Kết quả giám sát rạn san hô tại 8 điểm cố định ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang giai đoạn 2002 - 2005 cho thấy độ phủ san hô sống đã giảm sút ở nhiều cùng rạn theo thời gian. Đặc biệt hiện nay hoạt động du lịch chỉ quan tâm đến lượng khách mà chưa có những đánh giá về sức tải du lịch, sức chịu đựng của các hệ sinh thái trong từng khu vực cụ thể cũng như những sự quấy rầy của sinh vật biển đến từ du khách cũng cần được quan tâm”.

Trong khi đó, đa dạng sinh học biển cung cấp nhiều giá trị hàng hoá và dịch vụ và là nguồn tài nguyên ngày càng quan trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Bà Bùi Thị Thu Hiền - Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam - nhấn mạnh vai trò của việc phân cấp quản lý và giám sát các địa phương hiện nay cần được điều chỉnh.

“Nhiệm vụ các khu bảo tồn biển là bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái và quản lý các hoạt động trong đó. Trong khi, trách nhiệm quản trị của khu bảo tồn biển thuộc về các địa phương nhưng đa số hiện nay các nơi có xu hướng hỗ trợ phát triển kinh tế mà ít quan tâm đối với các hoạt động bảo tồn. Điều này đòi hỏi nhà nước, bộ, ngành phải đưa ra quy định khung quản lý khu bảo tồn biển chặt chẽ, sự phân cấp quản lý về địa phương phải được hoàn chỉnh, phân cấp trách nhiệm quản lý. Chính quyền Trung ương cần tăng cường giám sát về việc địa phương có đạt được các chỉ số nhất định về bảo vệ môi trường không, quan trắc điều tra đánh giá thường xuyên. Kế hoạch phân vùng ở các khu bảo tồn được UBND các địa phương phê duyệt cần được bộ, ngành thông qua” - bà Hiền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn