MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách đi đò vãn cảnh chùa Hương. Ảnh: Hải Nguyễn

Phát triển du lịch lễ hội chùa Hương bền vững, thân thiện

Huyền Chi - Hoàng Huê LDO | 16/02/2024 08:52

Lễ hội chùa Hương 2024 khai hội vào ngày 15.2.2024 (tức ngày mồng 6 tháng Giêng), trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Lễ hội được tổ chức gắn với tôn vinh, quảng bá giá trị Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn.

Diện mạo mới của chùa Hương

Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước tham gia.

Phát biểu tại lễ khai hội, ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024 - cho biết, với chủ đề “An toàn - Văn minh - Thân thiện”, lễ hội chùa Hương khẳng định giá trị văn hóa và phát huy giá trị quần thể khu di tích.

Ông Đặng Văn Cảnh nhấn mạnh, lễ hội chùa Hương là một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc: “Lễ hội là nơi hội tụ các nét sinh hoạt văn hóa như bơi thuyền đêm thơ, múa rồng, lễ phật, cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng của nhà chùa trụ trì thượng tọa Thích Minh Hiền gióng lên sẽ đánh thức mọi cỏ cây hoa lá vạn vật để khai xuân mở hội, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người được bình an, ấm no hạnh phúc”.

Năm nay, ban tổ chức tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện; chỉ đạo các nội dung tuyên truyền, bán vé, đổi mới công tác điều hành, vận chuyển khách... Việc triển khai nhận được sự đồng tình của đa số người dân và du khách. Để thuận tiện trong công tác quản lý, tất cả các thuyền, đò đăng ký vào hợp tác xã sẽ được sơn màu xanh, đánh số, có lô gô hợp tác xã, trang bị đầy đủ áo phao, vật nổi theo quy định.

Trao đổi với Lao Động, anh Đinh Xuân Thắng (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) chia sẻ, năm nào anh cũng đi chùa Hương dịp đầu năm.

“Tôi thấy không còn tình trạng chèo kéo khách như các năm trước. Còn về giá vé tham quan thắng cảnh có tăng một chút nhưng hợp lý. Người dân vui vẻ, cởi mở, thân thiện, du khách cũng hài lòng” - anh Thắng nói.

Đón du khách như đón người thân về nhà

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý Khu di tích và Thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - cho biết, hợp tác xã chèo đò, vận chuyển du khách là điểm mới của lễ hội năm nay, nhằm ngăn chặn việc chèo kéo du khách diễn ra nhức nhối nhiều năm nay.

“Ban quản lý khu di tích tập trung động viên người dân làm tốt để du khách thấy yên tâm khi về chùa Hương, phát triển du lịch lễ hội một cách bền vững. Khi tuyên truyền cho nhân dân, tôi cũng khẳng định, nếu bà con ăn xổi, xin thêm tiền, tiếp khách không chu đáo thì lần sau họ không muốn về, địa phương sẽ mất đi nguồn thu nhập. Du khách đến, nhà mới đông và ấm cúng, đó mới là điều đáng quý.

Chúng ta cần nghĩ dài hơi, đừng để thắng cảnh đẹp nhưng không ai đến. Mỗi năm điều chỉnh từng chút một, năm sau sẽ hoàn thiện hơn. Lượng khách đông sẽ có sai sót, khiếm khuyết nhưng vẫn phải có phương án điều chỉnh. Đón du khách như đón người thân về nhà. Nếu để ít khách, không gian bị “lạnh”, mất đi năng lượng” - ông Nguyễn Bá Hiển khẳng định.

Qua ghi nhận, các tuyến đường vào khu di tích thông thoáng, sạch sẽ, tình trạng ách tắc giao thông ít xảy ra. Số liệu thống kê của Ban Quản lý khu di tích cho thấy, từ mùng 2 Tết Giáp Thìn (tức 11.2) đến ngày khai hội, nơi này đón khoảng 140.000 khách. Số lượng người dân đến chùa Hương vào dịp Tết Giáp Thìn cũng tăng mạnh, hơn 20% so với năm Quý Mão.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn