MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021”. Ảnh: Bộ VHTTDL

Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

ThS. Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN)  LDO | 14/09/2022 06:36

Nhân lực là nguồn vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của quá trình triển ngành công nghiệp văn hóa.

Ngày 24.11.2021, trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hoá công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hoá là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá.

Như vậy nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Thực trạng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp văn hóa

Trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021” diễn ra ngày 12.9 tại Bảo tàng Hà Nội, TS Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, các nguồn nhân lực trong công nghiệp văn hóa có thể kể tới như: Nguồn nhân lực quản lý, bao gồm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ngành văn hóa và các ngành có liên quan; nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh, bao gồm doanh nhân, người lao động; nguồn nhân lực sáng tạo.

Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, tỉ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15-64 tuổi) rất cao, dao động khoảng 70%. Với đặc thù trẻ tuổi, nguồn nhân lực này có khả năng sáng tạo, thích ứng và nhanh nhạy trong việc chuyển giao khoa học công nghệ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển nhanh, bắt kịp với xu thế chung của thời đại.

Nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quá trình sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về cả và số lượng chất lượng. Theo thống kê của ngành văn hóa, nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói chung là hơn 72.000 người; nguồn nhân lực gián tiếp, có hoạt động trong các ngành có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao là khoảng 150.000 người.

Riêng trong một số lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của công nghiệp văn hóa, theo thống kê của ngành văn hóa năm 2021, lực lượng này có sự bổ sung qua các năm. Tuy nhiên với đặc thù là ngành công nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo, khổ luyện nên không phải ai cũng đủ dũng cảm lựa chọn ngành nghề này để theo đuổi. Vậy nên số lượng học viên đăng ký vào các trường đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực cho ngành văn hóa không ổn định, nhất là các ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, sáng tác văn học nghệ thuật… ngày càng có xu hướng sụt giảm.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, TS Nguyễn Huy Phòng cho rằng, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhất thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nhận thức đúng về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa sẽ giúp các cơ quan, bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả qua đó huy động tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quá trình vận hành và phát triển đất nước.

Đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo, dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực này để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các cá nhân. Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả và các quyền liên quan.

Cũng theo TS Nguyễn Huy Phòng, cần phải hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuân thủ quy luật cung cầu, đảm bảo sự minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, lấy lợi ích của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Tăng cường nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là thiết lập mạng lưới các không gian sáng tạo, các thành phố, đô thị thông minh, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mang lại môi trường thực sự lành mạnh, tự do, dân chủ, nhân văn, khoa học để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Trong các thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực có nghĩa ý đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh của ngành kinh tế này.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ) xác định 12 ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn