MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không gian trưng bày sách, các tác phẩm văn học tại Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 ở Huế. Ảnh: Phúc Đạt

Phê bình văn học - Chuyên nghiệp chưa phát huy, nghiệp dư còn hời hợt

TS. Hà Thanh Vân LDO | 19/12/2023 09:26

Trong đời sống văn học nói chung, có hai kiểu người đọc: Thứ nhất là người đọc bình thường, bao gồm tất cả công chúng thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần và địa vị xã hội, thị hiếu thẩm mỹ, khuynh hướng tư tưởng. Thứ hai, là người đọc đặc biệt, có sự tiếp nhận khác biệt người đọc bình thường ở tính chất nghề nghiệp và trình độ chuyên sâu, họ bao gồm nhà văn và nhà phê bình chuyên nghiệp.

Phê bình chuyên nghiệp còn mờ nhạt

Nhà phê bình chuyên nghiệp thường xuất thân từ các trường đại học, viện nghiên cứu, hay cũng có khi là chính nhà văn. Tuy nhiên, các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp dường như không mặn mà với việc viết phê bình trên báo chí, hoặc nếu có thì thường kiểu viết của họ mang tính chất nặng về hàn lâm, học thuật, không dễ tiếp cận với số đông và chỉ đăng trên những tờ báo mang tính chất chuyên ngành, số lượng độc giả ít ỏi. Thậm chí, nhiều tờ báo từ chối việc đăng bài của nhà phê bình chuyên nghiệp bởi quá chuyên sâu, không phù hợp với văn phong báo chí.

Ở một chiều ngược lại, có nhà phê bình trách người viết không tìm đến các nhà phê bình để “được” thẩm định, giới thiệu, trong khi việc của nhà phê bình phải là ngược lại, là chủ động tìm đến tác phẩm. Tức là phải có một tâm thế tiếp nhận chuyên nghiệp. Như vậy, mới có thể có được cái nhìn sâu sắc về đời sống văn học đương đại.

Thực tế cho thấy cũng không thiếu nhà phê bình mang danh chuyên nghiệp nhưng chưa đủ tầm. Nếu có một tâm thế tiếp nhận tác phẩm thụ động, lượng thông tin thẩm mỹ hạn hẹp không đủ tạo ra tiếng nói thuyết phục, với sự hỗ trợ không đủ mạnh của báo chí, nhà phê bình làm sao định hướng thẩm mỹ cho công chúng?

Hạn chế về thông tin ở tầm vĩ mô, thiếu thốn công cụ lý thuyết, không có trong tay các tác phẩm có chất lượng hoặc tác phẩm đang tạo ra dư luận xã hội cần được định hướng tiếp nhận, hoạt động của các nhà phê bình (nhất là ở các địa phương) chỉ loanh quanh với việc thẩm bình, giới thiệu các sáng tác, kể cả giới thiệu sáng tác của những tác phẩm mà chất lượng thì còn phải bàn. Vậy là hoạt động của nhà phê bình, thay vì chuyên nghiệp hơn, lại đang ngày càng nghiệp dư hóa.

Phê bình trên báo chí nở rộ nhưng mang tính giới thiệu

Trong sự bùng nổ của các loại hình giải trí đi kèm với xu thế có phần xuống cấp của “văn hóa đọc”, trong tình hình xuất bản của các tờ báo, các tạp chí văn nghệ (nhất là ở các địa phương) và tác phẩm của nhà văn với số lượng in ấn mỗi ấn phẩm chỉ từ 500 đến 1.000 bản mà bán thì ít, biếu là nhiều, thì cũng chỉ có được một số lượng tương ứng như vậy của người đọc. Tuy vậy, các tờ báo vẫn có những mục điểm sách, giới thiệu tác phẩm, giới thiệu chân dung nhà văn… và người viết thường là chính các nhà báo. Họ thường đến tham dự các buổi ra mắt sách, ghi nhận và viết theo các thông cáo báo chí.

GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học trong tham luận tại “Hội thảo khoa học toàn quốc Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển” đánh giá: “Thực trạng phê bình văn học hiện nay gắn bó trực tiếp với báo chí”. GS. Phong Lê cũng cho rằng, ở thời buổi mọi ngành nghề đều hướng đến chuyên nghiệp hóa thì phê bình lại đi theo chiều ngược lại.

Thậm chí ở vào thời buổi mà truyền thông đại chúng đang “lên ngôi” trong việc định hướng thẩm mỹ của công chúng, do lợi nhuận của mình, các nhà xuất bản, các công ty sách thông qua ảnh hưởng của truyền thông đã chi phối việc lựa chọn sản phẩm đọc của công chúng thông qua các bài viết trên báo chí, vì vậy việc định hướng thẩm mỹ, nhận thức có phần bị lấn át bởi yếu tố thương mại.

Những dấu hiệu khởi sắc

Trong tình hình không mấy sáng sủa của “văn hóa đọc”, điều rất đáng nói là vẫn có một bộ phận công chúng tích cực, có trình độ học vấn, tâm huyết với văn chương đã đọc và chia sẻ tác phẩm mà họ yêu thích. Họ thảo luận, tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội, tạo nên những không gian văn chương sôi nổi trên internet. Ðó là hoạt động tiếp nhận, thưởng thức một cách tự nguyện của công chúng, một sự ghi nhận vô tư đối với thành quả lao động sáng tạo của các nhà văn.

Không phải công chúng hoàn toàn quay lưng với văn chương, với các nhà văn. Nhưng điều kiện tiên quyết là tác phẩm phải có chất lượng mới thu hút độc giả và các nhà phê bình. Từ đó, có không ít nhà phê bình chuyên nghiệp đã tranh thủ được sức mạnh của truyền thông hiện đại, thông qua báo chí và mạng xã hội. Họ không chỉ viết bài đăng báo theo hướng đại chúng, phổ thông để độc giả dễ tiếp cận, mà còn hướng đến việc dùng mạng xã hội để đến được với công chúng rộng rãi hơn.

Quá trình sáng tạo của nhà văn là quá trình lao động của cá nhân, nhưng sự thưởng thức tác phẩm của công chúng là sự cộng hưởng và lan truyền. Sự lan truyền ấy thường được nảy sinh từ các sinh hoạt nghề nghiệp, trong đó, phải kể đến công lao của những người làm phê bình khi đi thẩm định tác phẩm. Do vậy, dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, vẫn cần có một nền phê bình có chất lượng và đúng chuẩn mực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn