MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tượng Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm được phục dựng bằng công nghệ 3D. Ảnh: NVCC

Phía sau câu chuyện phục dựng Tượng Quán Thế Âm chùa Báo Ân

Mai Hương (thực hiện) LDO | 11/12/2021 10:00
Trong những số trước, Báo Lao Động đã thông tin về nguồn gốc và hành trình lưu lạc của pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân. Để hiểu thêm về những vấn đề xoay quanh về pho tượng này, chúng tôi đã trao đổi với TS Nguyễn Hữu Mạnh, Bộ môn Khảo cổ học - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, người trực tiếp tham gia vào quá trình phục dựng pho tượng.

Ông có thể cho biết cơ duyên nào để nhóm nghiên cứu phỏng dựng lại pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân này? 

- Tháng 6.2021, trong một cuộc trà đêm trên công trường khai quật khảo cổ tại bãi cọc Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, anh Đào Xuân Ngọc - đồng nghiệp của tôi có chia sẻ về một pho tượng đang thu hút sự chú ý trong các diễn đàn trên Facebook của người yêu di sản, khi mọi người không rõ nguồn gốc của pho tượng này.

Sau khi xem hình ảnh của pho tượng, tôi đã cung cấp thêm thông tin pho tượng có nguồn gốc từ ngôi chùa Báo Ân xưa, mà ngày nay còn lưu dấu là ngôi tháp Hoà Phong toạ lạc bên hồ Hoàn Kiếm. Anh Ngọc sau đó đã “rủ rê” tôi phỏng dựng lại pho tượng.

Ý tưởng này của chúng tôi được sự đồng hành của KTS Việt Phương, một người đã sử dụng công nghệ 3D để tạo tác lại nhiều di sản Phật giáo. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ kết tinh, hội tụ được ưu điểm của cả 3 người để tạo nên một sản phẩm có đóng góp cho di sản nước nhà.

Pho tượng này cần phải phỏng dựng lại vì đây là một trong số ít những bức tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm trong hình tướng đứng của Việt Nam. Đây cũng là bức tượng tuyệt đẹp, đã được nghệ nhân chạm khắc, sơn thiếp một cách công phu, tỉ mỉ, kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ, thể hiện tư duy, thẩm mỹ của người chế tác.

Đồng thời đây là hiện vật gắn với chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn, một danh thắng nằm bên cạnh Hồ Gươm. Dù cho dấu vết của chùa xưa nay chỉ còn ngôi tháp Hoà Phong ven hồ, nhưng bức tượng này gợi nhớ về “tích cũ” khi mà chùa từng được nhiều Phật tử viếng thăm và đi vào ca dao của người Hà thành xưa:

“Gần xa nô nức tưng bừng

Vào chùa Quan Thượng vui bằng động tiên”

Bên cạnh đó, hiện vật gốc đang nằm ở bên bảo tàng nước ngoài, trong khi đợi chờ, có thể hồi hương pho tượng này, thì sự phát triển nở rộ của công nghệ in 3D trong những năm gần đây sẽ giúp ích cho các nhà yêu di sản có thể phỏng dựng lại một phiên bản, tiệm cận gần giống với pho tượng gốc. Tôi cũng nghĩ rằng, di sản muốn phát triển phải gắn với cộng đồng, nhất là cộng đồng đã sản sinh ra di sản đó và do vậy, bức tượng nếu được người Việt biết tới sẽ phả thêm hơi thở mới, mang đến trải nghiệm mới cho người yêu di sản nước nhà.

Ông có thể cho biết thêm về hành trình của pho tượng này và tại sao pho tượng lại lưu lạc sang tới Bảo tàng Guimet ở Pháp?

- Pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân được mang sang Pháp vào cuối những năm 90 của thế kỷ XIX và ngay từ năm 1889 đã được Gustave Dumoutier lúc đó đang làm trợ lý văn hóa và phiên dịch của Tổng sứ Trung-Bắc Kỳ Paul Bert, đưa về và trưng bày trong chuyên đề Chùa Bắc Kỳ ở Triển lãm quốc tế tại Paris. Nó xuất hiện tại vị trí trung tâm trong “Khu trưng bày Đông Dương” của bảo tàng Guimet trong vài năm. Cuối cùng, nó bị lãng quên trong kho và bị nhầm tưởng thành một điêu khắc có nguồn gốc Trung Quốc, niên đại được suy đoán vào thời Ngũ Đại hoặc thời Tống.

Sau khi được các chuyên gia phục chế ghép nối lại một cách hoàn chỉnh từ hơn 800 mảnh, pho tượng đã từng được giới thiệu trưng bày hai lần ở Bảo tàng Guimet tại triển lãm Rồng cất cánh - Nghệ thuật Cung đình Việt Nam vào năm 2014 và đến năm 2017, bức tượng một lần nữa được xuất hiện trong triển lãm 113 đồ kim khí Châu Á. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong hàng vạn hiện vật của bảo tàng Guimet, đây là một trong số ít hiện vật được các nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá cao về giá trị độc đáo trong nghệ thuật, thẩm mĩ của pho tượng.

Hiện nay có nhiều pho đang xa xứ giống như pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm không? Theo ông, ý nghĩa của việc phục dựng tượng cổ tại Việt Nam là gì?

- Tôi muốn nói về câu chuyện chung của di sản Việt, không phải chỉ là về một pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân đơn lẻ này. Trong giai đoạn từ 1858 - 1945, dưới sự cai trị của người Pháp, rất nhiều bộ sưu tập hiện vật quý của Việt Nam được di chuyển từ Việt Nam sang Pháp. Cũng đã có nhiều ghi chép liên quan đến việc cướp bóc của quân đội thực dân Pháp với kho cổ vật Việt Nam được lưu trữ ở kinh đô Huế và khu vực xung quanh.

Không những ở trong kinh đô Huế mà còn có rất nhiều bộ sưu tập quý ở lăng mộ của các nhà vua cũng đều bị cướp phá. Thậm chí không ít người Pháp chứng kiến những vụ cướp phá cũng ghi chép lại. Một thí dụ điển hình là, vào khoảng năm 1906, người Pháp mang rất nhiều đồ tượng của người Champa xưa về bằng đường thuỷ trên con tàu Mekong, một trong những con tàu trở hàng lớn thời bấy giờ. Nhiều báu vật của người Champa cũng theo con tàu chìm xuống đại dương khi con tàu bị đắm ở biển Hồng Hải.

Việc cổ vật lưu lạc bên ngoài một phần cũng phụ thuộc vào nguồn mua bán bất hợp pháp. Gần đây, chúng ta cũng phát hiện và ngăn chặn nhiều cuộc mua bán trái phép như thế, tuy nhiên có rất nhiều vụ mua bán bất hợp pháp cổ vật mà không nhiều người biết. Đó là lý do khiến cổ vật Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài nhiều như vậy.

Việc phục dựng pho tượng này, có ý nghĩa to lớn đối với di sản nước nhà, mở ra một cách tiếp cận mới đối với những báu vật quốc gia Việt Nam hiện đang lưu trữ và trưng bày tại nước ngoài. Trong khi, người yêu di sản Việt rất khó tiếp cận đối với những hiện vật này, thì việc phỏng dựng bằng công nghệ vẽ 3D, in ấn 3D kết hợp với các phương pháp truyền thống như sơn son phết vàng lên pho tượng  là sự kết hợp độc đáo, mang đến trải nghiệm chân thực cho người xem. Tôi nghĩ rằng, đây là một hướng đi mới, mở ra cho người xem một cách tiếp cận mới trong di sản nước nhà.  

- Xin cảm ơn ông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn