MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim Trạng Tí phiêu lưu ký. Ảnh: NSX

Phim điện ảnh Việt - “niềm vui thì ngắn, nỗi lo thì dài”...

Ngọc Dủ LDO | 14/05/2021 08:58
3 phim Việt đứng đầu phòng vé trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 và thêm 1 phim Việt lập kỷ lục doanh thu kỷ lục của điện ảnh Việt là những niềm vui trong nửa đầu năm 2021, nhưng rồi COVID-19 ập đến...

Có thể nói rằng, nửa đầu năm 2021 là quãng thời gian điện ảnh Việt tìm một lối đi mới cho mình. Nhiều bộ phim lựa chọn đề tài, hướng đi mới mẻ hơn và một số được đầu tư về kịch bản lẫn nội dung. Ngoài “Bố già” thu về hơn 400 tỉ đồng, “Thiên thần hộ mệnh”, “Lật mặt: 48h”, “Trạng Tí phiêu lưu ký” cũng đứng đầu doanh thu phòng vé Việt trong dịp nghỉ lễ vừa qua. Nhưng hiện tại, chỉ còn thấy rõ ràng nhất là nỗi lo của các nhà phát hành và sản xuất phim.

Tín hiệu khởi sắc từ điện ảnh Việt

Cho đến khi các rạp ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và một số tỉnh thành đóng cửa thì “Thiên thần hộ mệnh” thu về 40 tỉ đồng, “Lật mặt 5” thu 153 tỉ đồng, còn “Trạng Tí phiêu lưu ký” thu 17 tỉ đồng. Những con số đáng khích lệ, trong bối cảnh vẫn còn tâm lý ngại ra rạp vì dịch bệnh.

Kỳ nghỉ lễ vừa qua cũng là dịp hiếm hoi mà có đến 3 phim Việt cùng đạt trên 15 tỉ đồng. Thông tin này rất đáng vui, cho thấy phim Việt ngày một được đón nhận và chất lượng cũng được nâng tầm hơn. Một thời gian dài, phim Việt lép vế trước phim Hollywood nhưng bây giờ thì ngược lại, với lý do vì dịch bệnh, các bom tấn thực sự vẫn chưa “xuất trận” do phải lùi kế hoạch ra mắt.

Với việc điện ảnh Việt vẫn chỉ trông chờ vào mùa phim Tết hoặc một số dịp lễ trong năm, chưa thật sự có một mùa phim hè nào bùng nổ thật sự thì 3 phim “Thiên thần hộ mệnh”, “Lật mặt: 48h”, “Trạng Tí phiêu lưu ký” ra mắt đạt doanh thu tốt là một dấu hiệu đáng mừng, giúp củng cố niềm tin và động lực cho những đầu tư, thay đổi.

Một điều dễ nhận thấy, ngoài nguyên do khán giả khát phim hay trong thời điểm năm 2020, các rạp liên tục phải tạm dừng vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì năm 2021 này, các phim Việt cũng được chú trọng đầu tư hơn và đa dạng thể loại hơn. Ví dụ như “Lật mặt: 48h” nghiêng về hành đồng, tình cảm gia đình, “Thiên thần hộ mệnh” lại là tác phẩm kinh dị, giật gân, còn “Trạng tí phiêu lưu ký” là phim mang yếu tố kỳ ảo, dành cho thiếu nhi. Những bộ phim trên cũng được nhào nặn bởi bàn tay của các đạo diễn tên tuổi, có thâm niên trong nghề. Chính vì thế, không khó để phim được đón nhận, dù trước đó đã từng có tác phẩm dính ồn ào. Tất nhiên, bên cạnh các bộ phim được đón nhận, đánh giá tốt thì điện ảnh Việt vẫn còn nhiều nỗi lo, kể cả khâu sản xuất lẫn yếu tố khách quan khác.

Những nỗi lo vẫn còn hiển hiện...

Sau những niềm vui, giờ là những nỗi lo. Chiều 3.5, các rạp ở TPHCM đóng cửa, sau đó đến Hà Nội, Đà Nẵng các các tỉnh thành khác lần lượt đóng cửa để phòng chống dịch. Điều này đẩy phim Việt vào thế khó. Bởi như 3 phim đang có doanh thu tốt, trung bình mỗi phim thu về khoảng 7-10 tỉ đồng nhưng bất ngờ phải tạm ngừng chiếu. Thêm vào đó, việc hoãn thời gian quá lâu và khi đưa trở lại rạp thì sức nóng của phim cũng giảm dần. Cộng thêm chưa kể các phim này còn phải đối đầu với loạt bom tấn khác cũng đang chờ dịch bệnh ổn định sẽ tung ra rạp.

Bên cạnh đó, trong dịp lễ năm nay, có thể thấy doanh thu phim không có tăng vọt hay đột biến vào các ngày nghỉ lễ, khi đây vốn là những ngày khán giả ra rạp nhiều nhất, dù sau khi chiếu, các phim có hiệu ứng lan truyền nhất định trên mạng xã hội. Ngược lại, một số phim chỉ đang có mức doanh thu ổn định.

Do đó, ngoại trừ “Lật mặt: 48h” đã qua mốc 100 tỉ đồng, 2 phim mới ra là “Thiên thần hộ mệnh” và “Trạng Tí phiêu lưu ký” được dự đoán rất khó chạm mốc trăm tỉ khi khởi đầu không tốt bằng nhiều phim “doanh thu khủng” khác. Cộng thêm việc rạp phim vừa phải đóng cửa khiến giấc mơ trăm tỉ của các nhà làm phim đang dần xa vời hơn. Ngoài ra, điện ảnh Việt còn chứng kiến một nỗi lo rất lớn khác chính là việc nhiều bộ phim ra mắt cùng thời điểm, khi không có lựa chọn về thời điểm do phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh.

Dù các nhà làm phim đã cố gắng tìm hướng đi mới, nhưng những bộ phim kiểu như “Kiều”, “Song song”, “Cậu Vàng” lại thua lỗ nặng vì yếu trong khâu phát triển kịch bản, chọn lựa diễn viên không phù hợp. Tuy nhiên, công tâm mà nói, điện ảnh Việt thời gian qua đã cố gắng thay đổi và táo bạo hơn với những hướng đi mới. Cộng thêm, nhiều nhà làm phim cũng dám đẩy mạnh kinh phí đầu tư để nâng cao chất lượng hơn, nên vẫn có thể hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, hệ thống rạp mở cửa trở lại thì phim Việt sẽ tiếp tục khởi sắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn