MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh trao giải Vàng cho phim truyện ngắn xuất sắc. Ảnh: T.H

Phim ngắn không hề ngắn

Trần Việt LDO | 31/10/2023 08:34

Liên hoan phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023 lần đầu tiên được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức, Hội Điện ảnh thành phố chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Đài Truyền hình thành phố thực hiện với mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, xây dựng đội ngũ điện ảnh kế thừa… vừa trao giải tối 29.10.2023. Đây là sự kiện kỷ niệm Ngày truyền thống của điện ảnh Nam Bộ (15.10.1947) và Ngày thành lập Hội Điện ảnh TP (30.10.1982).

Có thể thấy, Liên hoan phim (LHP) ngắn TPHCM lần thứ nhất được tổ chức quy mô, bài bản và số lượng phim dự thi trải ra ở cả ba mảng phim tài liệu, hoạt hình và phim truyện chứ không chỉ tập trung ở phim truyện như giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm nay.

Phim “Con gà mái mơ” của đạo diễn Lê Văn Mỹ Thiện, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM - vừa đoạt giải Cánh diều Bạc lại được vinh danh ở LHP ngắn TPHCM với giải ba và thắng giải Kịch bản xuất sắc nhất. Phim là một câu chuyện rất thời sự được kể rất duyên dáng về ảnh hưởng và tác động tiêu cực của mạng xã hội mà nếu con người không đủ bản lĩnh sẽ khó mà vượt qua. Một phim khác gây chú ý cho Ban giám khảo là “Ai đã giết bánh bò” đoạt giải Bạc LHP ngắn TPHCM của đạo diễn Trương Thế Thịnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh được kể theo hình thức một phim vụ án hấp dẫn giàu kịch tính với cái kết bất ngờ. Trong số ba giải Vàng cho phim tài liệu, hoạt hình và phim truyện có phim “Người đàn bà ở trạm xe” của đạo diễn Linh Chi Na - Tinh Hoa Studio sản xuất và Chi Na cũng thắng luôn giải cho cá nhân đạo diễn.

Phim ngắn là mảnh đất màu mỡ để các bạn trẻ thả sức bay bổng, sáng tạo, thỏa mãn những ý tưởng thể nghiệm thậm chí “điên rồ” nhất. Và thực tế ở một số giải Cánh diều thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam và LHP ngắn TPHCM lần thứ nhất, có thể thấy sự đa dạng, phá cách trong các phim ngắn ngày càng tăng lên.

Trước hết phải thấy, phim ngắn đang có xu hướng dài ra. Nếu như trước đây, nhiều khi phim ngắn chỉ là những lát cắt dài 5 - 10 phút thì giờ đây nhiều phim ngắn lên tới 30-35 phút. Điều này có hai mặt của nó khi có phim ngắn cần đủ dung lượng để chuyển tải một câu chuyện có lớp lang bài bản như phim “Dưới đáy hố” của đạo diễn Đinh Phạm Phước Bình (Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh) đoạt giải Cánh diều Vàng Hội Điện ảnh Việt Nam tháng 9.2023 vừa qua; nhưng ngược lại có những phim bị kéo dài không cần thiết thành ra thừa thãi, vô duyên.

Với phim ngắn, cách kể là rất quan trọng. Kể sao cho hay, hấp dẫn và gợi liên tưởng cho người xem. Trong bài tham luận của mình tại tọa đàm phim ngắn, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã viết “Phim ngắn thực sự là nơi thể nghiệm câu nói: Cái khó ló cái khôn. Nhiều bộ phim ngắn có những cách thực hiện rất sáng tạo, rất hiệu quả mà không cần phải tốn nhiều tiền. Phim ngắn là cuộc chơi vừa sức những người mới bắt đầu sự nghiệp, nơi anh ta có thể chứng tỏ khả năng sáng tạo không chỉ trong nghệ thuật mà còn là khả năng làm chủ cuộc chơi. Đó cũng là một phẩm chất để có thể thuyết phục các nhà đầu tư trong tương lai”.

Ông cũng nhấn mạnh: Với phim ngắn, số lượng đôi khi quan trọng hơn chất lượng. Điện ảnh là một nghề thực hành. Phim ngắn là những bài học, là những thể nghiệm cùng những kỹ năng vô giá mà chỉ có thể học được khi làm phim. Với những nhà làm phim trẻ, làm nhiều phim ngắn đồng nghĩa với việc xác định con đường làm phim của mình thực sự nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Từ phim ngắn lên phim dài là cả một bước chuyển lớn mà không phải ai cũng làm được. Đạo diễn Phạm Thiên Ân đã phát triển từ phim ngắn “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” thành phim dài gần ba giờ “Bên trong vỏ kén vàng” thành công rực rỡ, đoạt giải Camera vàng dành cho phim dài đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim danh giá Cannes (Pháp).

Một đạo diễn khác cũng thành công trong việc phát triển từ phim ngắn (“16:30”, từng đoạt giải Cánh diều Vàng 2012, được trình chiếu tại Góc phim ngắn - Liên hoan phim Cannes năm 2013) đến phim dài “Ròm” đoạt giải “New Currents” (Phim hay nhất) tại LHP quốc tế uy tín Busan (Hàn quốc) là Trần Thanh Huy.

Dĩ nhiên không phải ai cũng thành công như hai gương mặt kể trên khi có những đạo diễn trẻ đầy triển vọng, hứa hẹn ở phim ngắn lại hụt chân khi chạy đường dài.

Câu chuyện ở đây nằm ở tài năng, khí chất và nỗ lực kiên trì đi đến tận cùng con đường nghệ thuật đầy chông gai của cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn