MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh trong phim “Bẫy ngọt ngào”. Ảnh: ĐLP

Phim thua lỗ - Trách nhiệm nhà sản xuất, nhà làm phim

Huyền Chi LDO | 19/09/2022 06:00

Tại hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021”, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn đã đưa ra một số vấn đề đang tồn tại của ngành công nghiệp phim ảnh ở Việt Nam.

“Chúng tôi rất biết ơn những bộ phim thành công”

Trong vòng 10 năm kể từ khi rạp chiếu phim ở ta bắt đầu phát triển, năm 2019 được coi là giai đoạn thành công nhất. Theo thống kê, mỗi năm doanh thu của phim điện ảnh tăng xấp xỉ 24-25% và đến năm 2019, phim chiếu rạp trong nước chạm đến doanh thu 4.100 tỉ đồng. Con số này đến từ 42 bộ phim ra rạp trong năm, chiếm 32% trên tổng doanh thu (tính cả phim nước ngoài).

Về các chi phí sản xuất, phát hành phim, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ: “Hiện nay, trung bình các bộ phim Việt Nam cần 15 tỉ đồng cho các chi phí sản xuất, quảng bá, marketing... Làm một phép tính đơn giản thì tổng kinh phí cho 42 bộ phim Việt năm 2019 sẽ rơi vào khoảng 630 tỉ đồng. Theo thông lệ trên thị trường thì các nhà sản xuất phim sẽ nhận được từ 40-45% doanh thu từ bộ phim. Do đó, để đạt được điểm hòa vốn tính chung cho toàn bộ 42 phim thì tổng doanh thu cộng lại phải đạt 1.400 tỉ đồng.

Dù vậy, theo thống kê thì tổng doanh thu của phim Việt chỉ đạt 1.300 tỉ đồng, tức là chúng ta vẫn chưa đạt ngưỡng hòa vốn. Trong số 42 bộ phim đã chiếu trong năm 2019 thì có 27 phim doanh thu dưới 54 tỉ đồng, chắc chắn nhà làm phim thua lỗ. Ngược lại, 3 bộ phim có doanh thu trên 150 tỉ đồng sẽ có tỉ xuất lợi nhuận trên vốn đầu tư là 150-180%”.

Ba tựa phim nổi bật nhất, đạt doanh thu trên 150 tỉ đồng trong năm 2019 là Hai Phượng, Cua lại vợ bầu và Mắt biếc. Xếp sau là 3 bộ phim đạt doanh thu 80-100 tỉ đồng: Lật mặt: Nhà có khách, Trạng Quỳnh và Chị chị em em.

Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định, ông và những người làm nghề rất biết ơn 6 bộ phim này. Bởi lẽ, 6 bộ phim ăn khách đã góp vai trò rất quan trọng trong cơ cấu doanh thu của năm. 

3 bộ phim doanh thu cao nhất thu về 550 tỉ đồng, chiếm 42% tổng doanh thu, nhưng 18 bộ phim đạt doanh thu dưới 3,5 tỉ đồng chỉ đóng góp 2%. Có thể nói, những bộ phim doanh thu cao đã phải “gánh” toàn bộ các phim còn lại. 

“Theo ước tính, những bộ phim doanh thu dưới 3,5 tỉ đồng lỗ khoảng 258 tỉ đồng. Ê-kip của 9 bộ phim doanh thu từ 4-24 tỉ đồng sẽ lỗ 94 tỉ đồng. Vậy thì hơn 300 tỉ tương đương 50% vốn đầu tư vào những bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam năm 2019 là không thể thu hồi”, ông Nguyễn Hữu Tuấn thông tin. 

Phim kém chất lượng: Trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà làm phim

Nhận định về lý do nhiều bộ phim ra rạp thất bại, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: “Dưới góc độ người làm chuyên môn, tôi nghĩ rằng khán giả rất rõ ràng trong nhận thức bởi toàn bộ 27 bộ phim doanh thu thấp đều là những phim có chất lượng từ trung bình cho tới mức độ mà chúng tôi gọi là thảm họa. Và đương nhiên không có lý do gì để khán giả sẵn sàng chi tiền cho những bộ phim như thế này”.

Trong bài tham luận, ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra những nhà sản xuất, nhà làm phim chính là người phải chịu trách nhiệm cho những bộ phim kém chất lượng.

Theo đó, nhà sản xuất phim Việt vẫn còn một số điểm yếu cố hữu, cản trở sự phát triển của phim điện ảnh trong nước.

Đầu tiên phải kể đến, nhiều nhà sản xuất chuyên môn không cao, không đủ khả năng để thẩm định kịch bản. Do vậy, họ thường coi trọng những yếu tố bề nổi như chọn diễn viên nổi tiếng, nội dung “theo trend” thay vì chăm chút, đầu tư cho nội dung phim. Hiện nay, chi phí cho những người làm kịch bản vẫn khá thấp.

Điển hình, trong hơn 20 phim điện ảnh ra rạp nửa đầu năm nay, duy nhất chỉ có Em và Trịnh đoạt doanh thu trăm tỉ, nhiều phim được kỳ vọng như Nghề siêu dễ, Người tình, Bẫy ngọt ngào... đều chỉ dừng ở con số vài chục tỉ. Ngay cả khi có diễn viên là quen mặt khán giả như Nhã Phương (Song Song), Bình Minh (Sám hối) hay Ngô Kiến Huy (Em là của em).

Thứ hai, hầu hết các nhà làm phim thuộc độ tuổi 7X, phần nào chưa thể theo kịp nhu cầu và thị hiếu của lứa khán giả từ 16-30 mà chủ yếu là thế hệ Z (gen Z).

Không ít phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng như Kiều, Kiều@, Cậu Vàng... tuy có hướng đi mới, nhưng lại đều thất bại ê chề. Những bộ phim này tạo nhiều tranh cãi trước và sau khi ra rạp, điêu đứng vì kịch bản đơn giản, diễn viên diễn xuất chưa nổi bật.

Mặt khác, vì không tạo được hiệu ứng truyền miệng và quảng bá không đúng “trend” của khán giả trẻ, nhiều phim của đạo diễn trẻ đã “chết yểu” ...

Cuối cùng, theo nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn, các nhà làm phim Việt vẫn còn giữ tư duy đầu tư theo hướng “ăn xổi”, chưa có tư duy kiến tạo. 

“Dù phim thu lời nhưng ít người dám đầu tư cho một bộ phim khác và sản xuất tác phẩm tiếp theo. Phần lớn họ sẽ sử dụng doanh thu và lợi nhuận đó để đầu tư cho các mảng khác”, ông Tuấn đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn