MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm mang màu sắc áo lính tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII. Ảnh: Điện ảnh Quân đội Nhân dân

Phim về người lính gìn giữ cồng chiêng vào vòng chung khảo Liên hoan phim Việt Nam

Mai Hương LDO | 24/11/2023 11:56

Bộ phim về hành trình gìn giữ "thanh âm đại ngàn" của những người lính và đồng bào Tây Nguyên lọt vào vòng chung khảo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII.

Người lính trên con đường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Tham gia Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tổ chức ngày 21-25.11, tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng, Điện ảnh Quân đội Nhân dân mang đến 12 bộ phim bao gồm 9 phim tài liệu, 3 phim khoa học. Trong đó, phim "Thanh âm đại ngàn" đi sâu phản ánh người lính trên con đường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Người lính trong phim không chỉ mạnh mẽ trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mà đã hòa nhịp cùng người dân Tây Nguyên phục hồi di sản văn hóa cồng chiêng.

"Thanh âm đại ngàn" nói về văn hóa cồng chiêng - nét đẹp của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Thông qua tác phẩm, các nhà làm phim đề cập đến chủ đề khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê đối với văn hóa truyền thống trong mọi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chung một tình yêu với văn hóa cồng chiêng, những người lính và nhân dân ở Tây Nguyên đã nâng niu, gìn giữ, đưa văn hóa cồng chiêng trở thành một giá trị không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần hằng ngày.

Với ý đồ xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm là âm thanh cồng chiêng, ê kíp làm phim đã khai thác trên nhiều góc độ, ở nhiều không gian, đưa khán giả đến với một bữa tiệc âm thanh phong phú.

Hình ảnh trong phim “Thanh âm đại ngàn“. Ảnh: Điện ảnh Quân đội Nhân dân

Âm thanh hiện trường được các nhà làm phim tôn trọng tối đa, để tạo độ chân thực. Đối với những cảnh quay có tiếng của bà con dân tộc Tây Nguyên, ê-kíp thu thanh vừa nghe tiếng hiện trường, vừa nghe cả người phiên dịch bên cạnh để hiểu và ghi chép lại những cụm ý quan trọng.

Bên cạnh những sáng tạo về thủ pháp làm phim, Điện ảnh Quân đội Nhân dân cũng phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống hậu kỳ, hòa âm hiện đại. Điện ảnh Quân đội Nhân dân là đơn vị làm phim có quy trình hòa âm hậu kỳ chặt chẽ, đội ngũ hậu kỳ có tay nghề cao, cùng hệ thống công nghệ âm thanh 5.1 và các trang thiết bị hiện đại. Công nghệ hòa âm và thủ pháp hòa âm của kỹ sư âm thanh trong phim đã nâng cao chất lượng nghệ thuật của bộ phim.

Khôi phục, phát triển thanh âm của cha ông để lại

Nói về sự mới mẻ và hấp dẫn của phim, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết cho biết: "Đội ngũ làm phim mong muốn khán giả xem bộ phim để cảm nhận và có đánh giá, nhận định của riêng mình. Thị hiếu nghệ thuật của khán giả hiện nay rất cao, khán giả có thể đưa ra những lời khen chê đúng đắn và sâu sắc. Chúng tôi lắng nghe tất cả những điều đó để hoàn thiện hơn cho những tác phẩm tiếp theo.

“Thanh âm đại ngàn” là một trong 12 tác phẩm góp mặt trong vòng Chung khảo của Liên hoan Phim Việt Nam. Ảnh: Điện ảnh Quân đội Nhân dân

Với phim "Thanh âm đại ngàn", cái chúng tôi cảm nhận và mình truyền tải trong phim (cá nhân tôi nghĩ đó là cái riêng của bộ phim, khác với các phim làm về cồng chiêng Tây Nguyên khác) chính là việc: Muốn cồng chiêng được bảo tồn và phát triển phải khơi dậy tình yêu ở mọi thế hệ, nhất là các bạn trẻ.

Môi trường giáo dục chính là môi trường tuyệt vời nhất để khơi dậy tình yêu này… các bạn trẻ chính là chủ nhân tương lai trên mảnh đất Tây Nguyên… Chính các bạn sẽ là người khôi phục, phát triển thanh âm của cha ông để lại".

Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết cũng cho biết thêm, bộ phim "Thanh âm đại ngàn" khẳng định sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Đó chính là bản sắc, là nền tảng phát triển của quốc gia dân tộc: Văn hóa nằm trong chính trái tim và tâm hồn của nhân dân. Việc khơi dậy tình yêu của mọi người với bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình, đồng bào mình là hết sức quan trọng. Và chính giới trẻ sẽ là đối tượng mà chúng ta hướng tới để gìn giữ phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa.

Bộ phim "Thanh âm đại ngàn" là một trong 12 tác phẩm của Điện ảnh Quân đội Nhân dân góp mặt trong vòng Chung khảo của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII được tổ chức tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn