MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim Bằng chứng vô hình. Ảnh: ĐPCC

Phim Việt doanh thu ảm đạm, lỗi có phải chỉ do COVID-19?

NGỌC DỦ LDO | 12/08/2020 06:35

Thị trường điện ảnh Việt thời gian vừa qua ảm đạm với số lượng phim ra rạp ít ỏi. Một số phim mạnh dạn được đem ra công chiếu cho khán giả thì có doanh thu thấp...

Một năm mất mùa

Các hoạt động giải trí đang rơi vào tình trạng đóng băng vì dịch COVID-19, trong vài tháng gần đây dù giữa mùa dịch, nhưng các nhà sản xuất vẫn cố gắng cho ra một số tác phẩm điện ảnh như “Truyền thuyết về Quán Tiên” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), “Tôi là não cá vàng” (Lê Hướng Nam), “Bằng chứng vô hình” (Trịnh Đình Lê Minh), “Đỉnh mù sương” (Phan Anh).
Đỉnh mù sương. Nguồn: CGV

Các phim Việt ra rạp có một lợi thế nhỏ khi không phải đối đầu hay bị phủ bởi cái bóng quá lớn của các “bom tấn” nước ngoài. Dịch COVID-19, trong khó khăn và thách thức vẫn có cơ hội, thế nhưng đáng tiếc phim Việt không đủ lực để thành công hay chí ít là bật lên, để lại dấu ấn.

Theo thống kê từ trang Box Office Vietnam (trang thống kê doanh thu phim độc lập uy tín của Việt Nam), “Truyền thuyết về Quán Tiên” công chiếu vào tháng 5.2020 chỉ đạt doanh thu chưa đến 1 tỉ đồng, trong khi số tiền đầu tư lên đến 18 tỉ đồng. “Tôi là não cá vàng” ra rạp đầu tháng 6 có doanh thu 1,6 tỉ đồng. Đáng nói là 2 tác phẩm “Bằng chứng vô hình” và “Đỉnh mù sương” được quảng bá rầm rộ nhưng vẫn thất bại về mặt doanh thu. Trong khi “Bằng chứng vô hình” mua bản quyền của nước ngoài với sự tham gia của dàn sao Quang Tuấn, Phương Anh Đào, Ái Phương... nhưng chỉ thu về 7,5 tỉ đồng;  “Đỉnh mù sương” chỉ được  gần 900 triệu đồng doanh thu...

Một phần khiến doanh thu phim Việt giảm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến khán giả e ngại đến rạp. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là các phim kể trên đều bị đánh giá chất lượng không tốt, thiếu logic và làm hời hợt. Chỉ riêng “Bằng chứng vô hình” có đầu tư chỉn chu nhưng không đọng lại nhiều với khán giả.

Năm 2019 được xem là bội thu với phim Việt, khi có không ít tác phẩm đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng như “Hai Phượng”, “Gái già lắm chiêu 3”... Đây được xem là tín hiệu đáng mừng và cũng tạo động lực để nhiều nhà sản xuất đầu tư. Tuy nhiên, phim điện ảnh không phải là “mảnh đất” dễ cày xới. Thế nên khi nhiều nhà sản xuất, đạo diễn còn non tay, kịch bản yếu, đầu tư hời hợt mạo hiểm lấn sân sang địa hạt này đã dẫn đến thất bại.

Ông Khánh Nguyễn - đại diện truyền thông CGV cho biết: “Với sự bùng dịch lần thứ hai này, CGV lại một lần nữa tiếp tục đối đầu với việc doanh thu phòng vé giảm sút. Mở đầu là một loạt phim đã hoãn đến tháng 9 (“Thảm họa thiên thạch” - Greenland, “Gia đình chân to” - Bigfoot family, “Doreamon và phim Chồng người ta” - bộ phim Việt Nam đã lên kế hoạch dời lịch). Điều này cũng đã kéo theo doanh thu phòng vé sụt giảm, quay trở về bằng thời điểm bùng dịch lần 1 - tháng 3 trước khi đóng cửa rạp toàn quốc. Hơn thế nữa, việc bùng dịch ở Đà Nẵng cũng đã kéo theo các cụm rạp khu vực miền Trung và một số tỉnh lân cận đóng theo như Kon Tum, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Trong thời gian 99 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng cũng là thời điểm một số bộ phim Việt ra mắt phục vụ khán giả và phần lớn thất bại. Ngay cả Sky Tour - phim ca nhạc của ngôi sao Sơn Tùng cũng không thành công như kỳ vọng. Cả “Bằng chứng vô hình” và “Đỉnh mù sương”, một là trinh thám và một là võ thuật, đều là thể loại còn khá mới mẻ với màn ảnh rộng và khá kén khán giả. Chưa kể, hàng loạt siêu phẩm Holywood hoãn rồi dời lịch chiếu cũng ảnh hưởng đến tâm lý của số đông khán giả với quan niệm ăn vào đầu “ngoài rạp không có bom tấn nào...”. 

Sau thời gian cách ly xã hội và dịch bệnh dài tại thời điểm đó, tâm lý khán giả hầu hết muốn đón nhận những điều tích cực hơn, vui vẻ hơn không chỉ là trên phim ảnh mà ngay cả trong cuộc sống. Thế nhưng các bộ phim Việt dù được quảng bá hay truyền thông rầm rộ nhưng ra rạp lại mang đến cảm giác thất vọng.

Không có chỗ cho sản phẩm hời hợt

Những bộ phim điện ảnh hời hợt hay web drama “nhảm” đã không còn đất sống, kể cả đó là sản phẩm từ những gương mặt đình đám. Nếu xét về nguyên nhân, bên cạnh nguyên tắc đào thải, có thể xem là tín hiệu tích cực, khi điện ảnh Việt đang đòi hỏi việc đầu tư nghiêm túc và thật sự có chất lượng.

Khi nền điện ảnh không dung dưỡng cho những bộ phim ăn xổi, cẩu thả và một khi không còn những bộ phim kém chất lượng nhưng lại vẫn thắng lớn thì mới có thể hy vọng vào sự khởi sắc của điện ảnh Việt. Chúng ta cũng có quyền hy vọng điện ảnh Việt sẽ trở mình sau đại dịch, khi các nhà sản xuất lựa chọn kịch bản kỹ càng hơn, diễn viên tâm huyết hơn để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn