MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Hai Phượng” dự vòng sơ loại giải Oscar năm qua. Nguồn ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Phim Việt, rồi sẽ tới ngày…

Việt Văn LDO | 03/03/2020 07:53

Thắng lợi trong mơ của phim “Ký sinh trùng” với giải Oscar như cú hích mạnh thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc và cũng tạo sự hưng phấn, động lực cho các nhà làm phim Châu Á, trong đó có Việt Nam. Điện ảnh thế giới như đang xoay trục về Châu Á, vấn đề là ai sẽ nắm bắt cơ hội đó?

“Chất lửa” phim Hàn

Hiện thực xã hội Việt Nam không thiếu chuyện để kể, để nói, để hấp dẫn khán giả quốc tế. Vấn đề là chọn vấn đề gì và biên độ sáng tạo nào cho phép. Véo von tô hồng ca ngợi kiểu một chiều thì lạc lõng mà chê bai, chửi bới càng không nên, nhà làm phim chọn một lát cắt xã hội nào cũng luôn phải đặt mình ở vị trí trách nhiệm của một công dân với xã hội.

Đừng đổ tội kiểm duyệt mãi, bởi không gì nghiêm ngặt như làm phim ở Iran với bao điều cấm kỵ mà các nhà làm phim Iran vẫn cho ra đời hàng loạt tác phẩm xuất sắc liên tục được vinh danh ở các liên hoan phim quốc tế. Có năm họ “gặt”  tới  trên 300 giải lớn nhỏ làm sững sờ cả thế giới. Xem phim Iran phải rất kiên nhẫn vì thoạt đầu như “không có gì”, càng về sau càng “có gì”. Tiết tấu thường chậm, nhân vật thoại khá dài, nhưng các tình tiết gài cắm thì tinh vi và thông điệp rất nhân văn.

Các nhà làm phim Việt có lẽ khó có sự “nhẫn” như Iran và có lẽ theo chất “lửa” của Hàn thì hợp hơn. Những phim Hàn gần đây điểm nổi bật là rất rạch ròi, làm phim thể loại hành động ra hành động, hài là hài.. không có sự tham lam, lẫn lộn như một số nhà làm phim Việt muốn kết hợp tất cả vào một nồi lẩu từ hài đến hành động, tình cảm, tâm lý… để chiều khán giả Việt khó đoán “gu”.

Như bộ phim mới ra rạp sau Tết “Ván cờ sinh tử” (The Wrathful) của đạo diễn Khan Lee về cậu bé đánh cờ vây với những trận đấu sống còn, thậm chí đánh đổi cả mạng sống để trả thù cho chị gái và cho chính mình. Câu chuyện với nhiều chi tiết khốc liệt, mạnh mẽ và gương mặt cậu bé, nhân vật chính lạnh lẽo và u sầu đã hấp dẫn khán giả ngay từ đầu.

Và chất thơ của phim Việt

Đã có những cuộc hội thảo bàn về cái chất riêng của điện ảnh Việt. Và có ý kiến khẳng định đó là chất thơ với nhiều phim kinh điển được dẫn ra như “Cánh đồng hoang”, “Con chim vành khuyên”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”… Sau này thì nhiều đạo diễn trẻ Việt đã làm phim khác hẳn các bậc tiền bối. Mạnh mẽ hơn, thô ráp hơn đôi khi trần trụi hơn như một số tác giả làm phim độc lập, nhưng có vẻ như chất thơ vẫn lẩn khuất đâu đó trong nhiều cảnh phim, tình tiết phim.

Nhiều phim Việt đương đại đi được ra thế giới đã mang theo chất lửa của người Việt, nóng tính và dữ dội hơn, nhưng chất lửa đó không bùng lên lấn át tất cả mà với bản tính văn hóa Việt khá bao dung, vẫn có những chi tiết giàu chất thơ được nhấn nhá, gửi gắm vào với các phim của Nguyễn Hoàng Điệp, Bùi Kim Quy, Phạm Ngọc Lân…

Tuy nhiên, vẫn có cảm giác nhiều phim Việt chưa đi tới tận cùng của vấn đề mà “chơi vơi” với ý tưởng.

Giải mã cấu trúc xã hội và thần may mắn

“Ký sinh trùng” của đạo diễn Bong Joon-ho thắng lớn ở Oscar vì đó là một tác phẩm sâu sắc về cấu trúc xã hội về người giàu, người nghèo với tâm lý đặc trưng. Đó là bức tranh sống động về một hiện thực khác của Hàn Quốc. Ở Việt Nam, chưa có một phim Việt đề tài đương đại nào đạt tới tầm cỡ như vậy mà thường mới chỉ là những câu chuyện nhỏ lẻ, nhiều khi vụn vặt mang tính uẩn ức cá nhân nhiều hơn.

Và giải Oscar trao cho Bong Joon-ho của “Ký sinh trùng” cũng là sự ghi nhận sự nghiệp của vị đạo diễn này với nhiều tác phẩm đặc sắc trước đó như “Quái vật sông Hàn” giàu tính nghệ thuật và phá kỷ lục doanh thu phòng vé. Bong Joon-ho là gương mặt quen thuộc tại nhiều liên hoan phim quốc tế danh tiếng chứ không phải là một cái tên mới nổi. Còn nhớ, đạo diễn Apichatpong (Thái Lan)  thắng giải Cành cọ vàng của LHP Cannes uy tín cách đây mấy năm thì trước đó cũng là một vị khách quen thuộc của nhiều LHP quốc tế.

Và cuối cùng, yếu tố may mắn luôn có tiếng nói quan trọng trong các giải thưởng. Nếu phim “1917” ra mắt sớm hơn, nếu “Joker” không bị ì xèo về tính bạo lực thì chắc gì “Ký sinh trùng” đã đăng quang, cũng như thắng lợi của “Triệu phú ổ chuột” so với “Dị nhân Benjamin” năm nào.

Nhà làm phim chọn một lát cắt xã hội nào cũng luôn phải đặt mình ở vị trí trách nhiệm của một công dân với xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn