MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người Tày Bình Liêu chuẩn bị cành hoa dâu để lấy nước đầu năm. Ảnh: La Lành

Phong tục chiều cuối năm của người Tày Bình Liêu

Đoàn Hưng LDO | 21/01/2023 12:30
Quảng Ninh - Bình Liêu, Quảng Ninh là huyện miền núi, biên giới có trên 96 % là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ,… Trong đó, dân tộc Tày chiếm trên 50%. Với đồng bào Tày Bình Liêu, chiều cuối năm cũng là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm để tiễn năm cũ qua đi và chào đón một năm mới về với bao niềm hi vọng về một mùa Xuân mới.

Đến thăm những ngôi nhà của người Tày vào chiều cuối năm, sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi những ngôi nhà nơi đây đều được dán giấy đỏ mới ở nhiều nơi trong nhà.

Người Tày quan niệm, giấy đỏ là vật thể hiện điềm may mắn, tượng trưng cho một năm mới tốt lành, nhiều tài lộc sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống, mùa màng bội thu; cây trồng không bị chim, thú, sâu bọ phá hoại.

Giấy đỏ mới được dán trước nhà người dân tộc Tày. Ảnh: Đoàn Hưng

Người Tày dán giấy đỏ để cảm ơn và mời các vật dụng ăn Tết cùng gia chủ. Đồng thời, mong muốn có nhiều may mắn, năng suất lao động cao hơn nữa trong năm mới. Do vậy, toàn bộ ngôi nhà bỗng trở nên rực rỡ, tràn đầy sinh khí để đón chào năm mới.

Chủ nhà dán giấy màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn lên trước cửa nhà, bàn thờ tổ tiên. Ảnh: La Lành

Người Tày quan niệm, mọi vật đều có linh hồn và thế giới có 3 tầng (thiên đường, trần gian và cõi âm).

Sau một năm lao động, sản xuất thì trong ngày Tết con người được nghỉ ngơi vui chơi Tết, các dụng cụ cũng cần được nghỉ ngơi. Có như vậy, năm mới sẽ làm việc tốt hơn, mùa màng bội thu.

Sáng 30 Tết, người đàn ông trong gia đình sẽ chặt cây tre, nứa để quét mạng nhện trong nhà. Ảnh: La Lành

Bà Lèo Thị Lường – Thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu - chia sẻ: “Trong ngày cuối của năm cũ, người Tày thức dậy thật sớm lên rừng chặt cây nứa hoặc tre, trúc để quét mạng nhện. Sau đó, họ sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và các vật dụng trong nhà, tỉa chân hương, với ước nguyện năm mới gặp nhiều niềm vui, may mắn, an khang - thịnh vượng”.

Vệ sinh các dụng cụ nhà bếp. Ảnh: La Lành

Một phong tục rất quan trọng đối người Tày Bình Liêu là sắp đặt bàn thờ gia tiên với mâm ngũ quả và bánh chưng. Riêng với bánh chưng, vào ngày 25 đến 28 tháng chạp, các gia đình người Tày thường đã dành thời gian để gói bánh chưng. Ngoài bánh chưng dài (bánh Tét của người kinh), người Tày còn gói thêm “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ”.

Nghệ nhân ưu tú Lương Thiêm Phú, thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu - cho biết: “Bánh chưng bố” có hình tròn, “bánh chưng mẹ” có hình dài, kích cỡ của hai loại bánh chưng này thường lớn hơn những chiếc bánh chưng bình thường. Người Tày quan niệm, mỗi bát gạo tượng trưng cho 1 tháng trong năm, do đó khi gói “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ” họ sẽ cho 12 bát gạo, tuy nhiên đây chỉ mang tính tượng trưng. Nhân bánh thường là nhân cá và trứng gà. Cá ở đây thường là loại cá suối có vẩy trắng. Người Tày quan niệm, cá là biểu tượng cho nguồn nước và sự no đủ, thịnh vượng. Trứng gà tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.”

Nhân bánh chưng bố mẹ thường là nhân cá và trứng gà. Cá thường là loại cá suối có vẩy trắng. Ảnh: La Lành

Bánh chưng khi được gói xong sẽ được cho vào nồi luộc từ 12 đến 18 giờ. Bánh chín vớt ra rửa qua nước sạch và để khô. Chiều cuối năm, chủ nhà sẽ đặt “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ” lên bàn thờ để cúng tổ tiên.

Hiện nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi song người Tày ở Bình Liêu vẫn giữ nhiều phong tục riêng, độc đáo của dân tộc mình vào chiều cuối năm. Đó không chỉ là mong ước cho một năm mới thuận lợi, may mắn mà còn là niềm tự hào về vốn văn hóa giàu bản sắc được kế thừa, gìn giữ, nâng niu qua nhiều thế hệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn