MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim: “Ghe bẹo ghẹo ai” - một phim chiếu mạng của Võ Đăng Khoa thu hút rất đông người xem trên YouTube. Nguồn ảnh: momo.vn

Quản lý phim trên không gian mạng: Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Trần Việt LDO | 11/01/2023 06:10

Trong bối cảnh phim chiếu trên không gian mạng đang nở rộ hiện nay, việc quản lý phim sẽ được thực hiện như thế nào để vừa đảm bảo hành lang pháp lý chặt chẽ mà vẫn tạo điều kiện cho các nhà làm phim Việt được sáng tạo. 

Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Trong chương II Quy định cụ thể điều 12 có nêu về điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng bao gồm ba điểm đáng chú ý: Có hội đồng phân loại phim hoặc có phần mềm kỹ thuật hoặc có cơ chế để thực hiện việc phân loại phim theo quy định về phân loại phim của Việt Nam và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại phim. Có phương án sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL). Công cụ quản trị phải hỗ trợ việc phân loại phim theo từng tiêu chí và hiển thị linh hoạt ngay sau khi phim được cập nhật thay đổi về phân loại. 

Có phương án kỹ thuật và quy trình thực hiện tạm dừng phổ biến, gỡ bỏ phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL. Sau khi có yêu cầu gỡ bỏ phim, bộ phận vận hành phải thực hiện quy trình để triển khai thao tác gỡ bỏ phim trên công cụ quản trị.

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng nộp một bộ hồ sơ qua cổng dịch vụ công quốc gia. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL tiếp nhận báo cáo, trả lời bằng văn bản và đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim trên không gian mạng trên Hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng; trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong hồ sơ phải có phần báo cáo thuyết minh nội dung...

Như vậy nếu theo quy định này thì đơn vị phổ biến, phát hành phim trên không gian mạng sẽ phải tự chọn những cá nhân có đủ uy tín và chuyên môn để thành lập hội đồng phân loại phim và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. 

Còn Hội đồng duyệt phim quốc gia nếu có tham gia sẽ chỉ đóng vai trò hậu kiểm khi có sự cố phát sinh, trừ khi đơn vị phát hành phim đề nghị.

Trong điều 21 của Luật Điện ảnh áp dụng từ năm 2023 cũng quy định rõ: trường hợp đơn vị chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VHTTDL hoặc Cơ quan được Bộ VHTTDL ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng. 

Và những vấn đề phải xử lý khác

Trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện thực hiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng có kết quả phân loại phim không phù hợp với kết quả do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL thực hiện khi kiểm tra thì phải thực hiện sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của bộ.

Được coi là chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim khi kết quả phân loại, hiển thị kết quả phân loại không phù hợp với kết quả phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL quá 5 lần trong vòng 1 tháng đối với Loại P, Loại T18, Loại T16, Loại T13 và 2 lần trong 6 tháng đối với Loại C thì phải thực hiện phân loại phim theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh. Sau thời hạn 3 tháng, thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này để tiếp tục triển khai phân loại phim.

Điều 13 và 14 của nghị định quy định doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTTDL trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng. Và phải thiết lập các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em có khả năng dùng các biện pháp kỹ thuật đó để kiếm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phù hợp với độ tuổi bằng một trong các biện pháp sau: Xây dựng cơ chế tài khoản đa người dùng bao gồm tài khoản dành riêng cho đối tượng trẻ em, trong đó các tài khoản phải có mật khẩu bảo vệ, có cơ chế xác nhận khi chuyển tài khoản, có cơ chế báo cáo cho chủ tài khoản về lịch sử xem và hành vi của tài khoản trẻ em; khi truy cập phim gắn nhãn không dành cho trẻ em được truy cập sẽ có thông báo hiển thị xác nhận về độ tuổi truy cập…

Việc xử lý phản ánh, khiếu nại, báo cáo của người sử dụng dịch vụ chậm nhất trong 48 giờ kể từ khi nhận được phản ánh, khiếu nại...

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng sau khi tiếp nhận yêu cầu phải thực hiện dừng, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong vòng 3 đến 5 ngày đối với các nội dung vi phạm khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL.

Điều 16 cũng nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số trong việc gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm và điều 17 về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông. 

Nghị định số 131/2022/NĐ-CP đã quy định chi tiết một số điểm trong Luật Điện ảnh, trong đó có vấn đề quản lý phim trên không gian mạng khá chặt chẽ, áp dụng từ  tháng 1.2023. Vấn đề còn lại là thực hiện ra sao?.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn