MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy hoạch tu bổ danh thắng Ngũ Hành Sơn kết nối với con đường di sản miền Trung. Ảnh: Lê Tuấn

Quy hoạch tu bổ danh thắng Ngũ Hành Sơn kết nối với con đường di sản

THÙY TRANG LDO | 11/07/2023 16:24

Ngày 11.7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Phạm vi lập quy hoạch có diện tích 1.049.701m2. Mục tiêu quy hoạch nhằm quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch; là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái của khu vực danh lam thắng cảnh.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn đang là điểm du lịch của thành phố. Ảnh: Khánh Nguyên

Quy hoạch sẽ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”.

Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan, hệ sinh thái của danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ dựa trên cơ sở bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và bổ sung các yếu tố nhận diện mới phù hợp; khớp nối đồng bộ với các quy hoạch liên quan, bảo đảm đồng bộ về quy hoạch kiến trúc và thiết kế hạ tầng kỹ thuật; xử lý hài hoà giữa bảo tồn và phát triển đô thị đối với hệ thống công trình dân sự trong khu vực bảo vệ.

Các đơn vị có liên quan sẽ đề xuất phương án phát huy giá trị trên cơ sở bảo đảm hạn chế tác động tiêu cực đến không gian cảnh quan, môi trường sinh thái của khu vực danh thắng, tạo động lực kết nối giữa đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương với các hoạt động văn hóa, du lịch, nhằm mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất giải pháp, cơ chế quản lý quy hoạch nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, du lịch.

Quy hoạch cũng sẽ nhấn mạnh vào việc hình thành trục cảnh quan, văn hóa lễ hội Đông - Tây kết nối không gian biển, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò và trục cảnh quan xanh kết nối Thủy Sơn và Mộc Sơn.

Phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi của khu vực quy hoạch là bảo tồn toàn bộ các giá trị nổi bật của danh thắng Ngũ Hành Sơn, các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực, gồm các nhóm sau:

Hệ thống núi đá vôi và hang động sẽ hạn chế tối đa các hoạt động xây dựng; lắp đặt hệ thống camera giám sát, biển báo, hệ thống thu gom rác và khu vệ sinh công cộng; chỉnh trang cảnh quan, xây bậc cấp, lan can bảo vệ ở một số vị trí cần thiết; khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật các ngọn núi phù hợp với cảnh quan tự nhiên.

Chỉnh trang hệ thống chiếu sáng trong các hang động; lập phương án tiêu, thoát nước, chống trơn trượt trong hang; định kỳ điều tra, nghiên cứu chuyên ngành từng vị trí, hang động để kịp thời có phương án bảo đảm an toàn cho khách tham quan.

Các công trình di tích, điểm danh thắng sẽ được phục hồi, tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang căn cứ vào tình trạng kỹ thuật. Với những ngôi chùa đang có kế hoạch tu bổ, tôn tạo cần chú trọng khai thác yếu tố kiến trúc và vật liệu bản địa; lựa chọn phục hồi một số công trình khi có đủ cơ sở khoa học.

Địa phương sẽ có kế hoạch giải tỏa các công trình xây dựng lấn chiếm đất danh thắng và cải tạo, chỉnh trang kiến trúc phù hợp.

Với hệ thống bia Ma Nhai sẽ có biện pháp bảo quản đúng với phương pháp chuyên ngành, đồng thời đầu tư hệ thống chiếu sáng; Lập bản sao lưu trữ di sản tư liệu bia Ma Nhai và có giải pháp trưng bày, giới thiệu tới công chúng bằng các hình thức phù hợp.

Ma Nhai tại Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Từ Ân

Các di sản văn hóa phi vật thể tại danh thắng sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị như lễ hội truyền thống Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, lễ kỵ Thạch nghệ Tổ sư nghề đá Non Nước, lễ hội đình Khuê Bắc.

Quy hoạch cũng sẽ có giải pháp phục hồi một số lễ hội truyền thống có giá trị khác của cư dân địa phương và có biện pháp quản lý phù hợp đối với các hoạt động tín ngưỡng dân gian trong khu vực.

Ngoài ra, các đơn vị sẽ quy hoạch không gian các khu vực phát huy giá trị danh thắng như cắm mốc giới, thiết lập vùng đệm cây xanh chuyên đề rộng 20m xung quanh khu vực này; Xác định các khu vực dân cư cần giữ lại, chỉnh trang.

Có 7 nhóm dự án sẽ được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2050. Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch từ vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn