MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tượng đài Quốc tổ Hùng Vương không đơn giản chỉ là tác phẩm mỹ thuật

Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương: Nên giới hạn số lượng

M. K LDO | 08/05/2018 16:13

Sáng ngày 8.5, Bộ VHTTDL, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh & triển lãm tổ chức trưng cầu ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, quy hoạch, xây dựng và khoa học lịch sử, di sản trong vấn đề Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2015.

Với nhiệm vụ quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương, Bộ VHTTDL đã xác định 2 tiêu chí về nội dung: Tác phẩm phải thể hiện được lòng thành kính, tri ân công đức của vua Hùng và các công trình phải tôn vinh được giá trị văn hóa, cội nguồn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. 

Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương được Bộ VHTTDL đặc biệt chú trọng trong thời gian tới. Ảnh: T. L. 

Những địa phương đạt một trong những tiêu chí sau sẽ được cân nhắc đặt tượng Quốc tổ Hùng Vương cùng với đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ): Có vị trí địa lý đặc biệt, tiêu biểu, thể hiện ý chí đại đoàn kết dân tộc; có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng và giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. 

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, chủ trương xây dựng quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến 2015 là cần thiết, làm cơ sở định hướng cho việc quy hoạch xây dựng hệ thống tượng đài Quốc tổ Hùng Vương.

Đặc biệt, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc thảo luận và trưng cầu ý kiến lần này nhằm mục đích kiểm soát về số lượng và chất lượng.

"Tôi cho rằng, việc xây dựng hệ thống tượng đài không cần ở quá nhiều nơi mà nên cân nhắc lựa chọn địa phương sao cho phù hợp với tiêu chí đề ra. Ưu tiên cho tỉnh Phú Thọ, còn các địa phương khác có làm tượng hoặc nơi thờ tự thì làm với một quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn phải đảm bảo 3 yếu tố chính là tâm linh, văn hóa và thẩm mỹ...".

 Cùng với việc quy hoạch, tượng đài cần đảm bảo 3 yếu tố tâm linh, văn hóa và thẩm mỹ. Ảnh: T. L.

Cùng đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận rằng nên giới hạn số lượng tượng đài ở các nơi mà chỉ cần tập trung xây dựng các khu thờ cúng vua Hùng sao cho trang trọng, tạo được dấu ấn.  

Với hồ sơ quốc gia trình UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hiện nay đa số tượng vua Hùng được xây dựng trong các đền thờ và không gian ngoài trời nơi công cộng. Trong đó, có 3 tượng vua Hùng được đặt tại các địa điểm gồm một tượng đài đặt tại Công viên văn hóa Đồng Xanh ở Pleiku - Gia Lai và hai tượng tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên ở TPHCM (ngoài trời và trong nhà). Ngoài ra, một vài tượng Hùng Vương khác ở ngoài trời quy mô khá nhỏ nên chưa thống kê hết.

Theo đánh giá, việc xây dựng tượng Vua Hùng, nhất là đặt ngoài trời, vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế. Ví dụ các tượng thường được chọn đặt tại các điểm du lịch, khu vui chơi nhằm mục đích trang trí cảnh quan, vì thế không mang tính biểu tượng và thiếu tính sáng tạo về nghệ thuật. 

Hơn nữa, tượng Quốc tổ Hùng Vương còn thiếu sự đầu tư nghiên cứu hình tượng điển hình, hình khối đặc trưng... làm cho tượng mất đi sự biểu cảm. Một số ý kiến cho rằng, cùng với cách thể hiện hình khối theo kiểu dân gian thái quá, "cường điệu" khối quá mức khiến cho tượng bị đơn điệu, xa lạ hay không có sức truyền cảm. 

Ngày 10.5 tới đây, Bộ VHTTDL cũng sẽ tổ chức trưng cầu ý kiến tại TPHCM để tiến tới quý IV năm 2018 sẽ chính thức trình Chính phủ đề án “Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn