MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi Pu tham gia chương trình Rap Việt All-Star Concert 2023. Ảnh nhà sản xuất

Rào cản ngăn thị trường nhạc Việt Nam phát triển

Phương Liên LDO | 18/11/2023 12:44

K-Pop và lợi nhuận “khủng” của công nghiệp biểu diễn Hàn Quốc luôn khiến thế giới kinh ngạc. Giữa bối cảnh ấy, V-Pop (nhạc Việt) nỗ lực phát triển với mục tiêu hội nhập cùng thị trường âm nhạc thế giới và tiếp cận khán giả quốc tế. Tuy nhiên, hành trình đó vẫn còn nhiều thách thức khi tồn đọng những vấn đề nhức nhối, chưa được giải quyết.

Lạm dụng hát đè, hát nhép

Giáo viên thanh nhạc, cố vấn cho các thí sinh trong chương trình Vietnam Idol - Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc cho biết, hiện tại với sự cập nhật những xu hướng âm nhạc mới, khán giả dần mở lòng hơn với các phong cách trình diễn khác nhau.

“Tuy nhiên, trừ những chương trình yêu cầu hát nhép để quay hình, khán giả dường như vẫn chưa chấp nhận được việc nghệ sĩ hát nhép”, giáo viên thanh nhạc cho biết. “Thể loại âm nhạc cần vũ đạo nhiều, thiên về tính giải trí cao, để đảm bảo chất lượng của tiết mục thì ca sĩ thường sử dụng cách hát đè. Tỉ lệ bao nhiêu % phụ thuộc vào năng lực của nghệ sĩ, cường độ sử dụng vũ đạo trong bài. 50-70% là tỉ lệ các nghệ sĩ thường dùng”, cô nói thêm.

Hát đè được hiểu là ca sĩ hát trên bản thu có sẵn cả lời khi biểu diễn. Tuy nhiên, nhiều ca sĩ đã quá lạm dụng hát đè, đến mức sử dụng 80-90% hoặc hát nhép luôn.

Ngay lúc này, cộng đồng mạng Việt Nam lẫn Trung Quốc đang tranh luận việc Chi Pu có hát nhép tại Asian Youth Music Festival 2023 ở Nam Kinh (Trung Quốc) hay không. Khán giả phát hiện khẩu hình và lời bài hát của Chi Pu không khớp nhau nên vài tài khoản trên mạng xã hội Trung Quốc khẳng định nữ ca sĩ hát nhép.

Đây không phải lần đầu tiên Chi Pu vướng tranh cãi về vấn đề này. Các ca sĩ, rapper như Bích Phương, Binz… cũng từng vướng ồn hát nhép, hát đè tại các chương trình.

Ồn ào đạo nhạc liên tục xảy ra

Các vụ kiện đạo nhạc trong ngành công nghiệp âm nhạc ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số. Việc tải xuống các bản nhạc và lấy cắp các yếu tố khác nhau của một bài hát sau đó đưa vào ca khúc khác đã trở nên dễ dàng hơn.

Cộng thêm việc chịu ảnh hưởng của nhạc nước ngoài hoặc dùng chung vòng hòa thanh, tranh cãi đạo nhạc kéo dài từ năm này qua năm khác ở V-Pop nói riêng và lĩnh vực âm nhạc nói chung. Những sản phẩm được phát hành năm 2023 của Văn Mai Hương, Đông Nhi, Bảo Anh... đều vướng ồn ào đạo nhạc.

“Mưa tháng sáu” của Văn Mai Hương được nhận xét giống “Dạ khúc” của Jay Chou, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền giải thích 2 ca khúc có chung vòng hòa thanh. Trong khi đó, “Cô ấy của anh ấy” (do Bảo Anh thể hiện) cũng bị tố sao chép “Năm tháng vội vã” của Vương Phi. Nhạc sĩ Kai Đinh tung tổng phổ của hai bài hát lên mạng xã hội để khẳng định anh không hề sao chép nhạc Hoa.

“Người ôm pháo hoa” của Đông Nhi được nhận xét giống “Xem như gió chưa từng thổi qua”. “Sau lưng anh có ai kìa” của Thiều Bảo Trâm được cho là có phần melody giống đến hơn 90% so với “Có thể không”. Rất nhiều sản phẩm khác của Sơn Tùng, Jack, Tăng Phúc, Mỹ Tâm, Isaac, Châu Đăng Khoa... cũng vướng ồn ào.

Nhức nhối vấn đề bản quyền

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định tác quyền là một vấn đề quan trọng trong ngành công nghiệp âm nhạc và giúp bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ, nhạc công cũng như những người tạo ra, sở hữu tác phẩm âm nhạc.

“Việc hiểu và tuân thủ quyền tác giả là cần thiết để đảm bảo sự công bằng và bền vững trong ngành âm nhạc. Tuy nhiên điều này quả thực rất khó. Đặc biệt vấn đề tác quyền càng trở nên phức tạp hơn trong thời đại số hiện nay, khi việc sao chép và chia sẻ tác phẩm âm nhạc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết”, luật sư Tuấn nói.

Chưa kể, có nhiều bản quyền khác nhau cho các phần khác nhau của một tác phẩm. Điều này đặt ra thách thức cho ngành công nghiệp âm nhạc trong việc bảo vệ tác quyền và đảm bảo nguồn thu nhập hợp lý cho người sáng tác. Chỉ trong ít ngày qua, 2 vụ ồn ào tác quyền liên tiếp xảy ra ở thị trường âm nhạc Việt.

Nhạc sĩ Đỗ Hiếu lời qua tiếng lại với Noo Phước Thịnh về bản quyền 8 ca khúc do anh sáng tác. Cùng lúc, quản lý của Đan Trường khởi kiện 3 ca sĩ Thái Trinh, Bằng Cường và Dương Edward vì tự ý thể hiện các ca khúc mà công ty ông nắm quyền sở hữu. Thái Trinh và Bằng Cường nhanh chóng xin lỗi nên ông Hoàng Tuấn rút đơn kiện.

Trước đó, rất nhiều vụ tranh luận, kiện tụng qua lại xoay quanh chuyện bản quyền giữa ca sĩ, giữa đơn vị sản xuất và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC đã diễn ra gay gắt, nhức nhối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn