MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầu rồng trong bộ sưu tập gốm Gò Sành - Bình Định của ông Nguyễn Vĩnh Hảo

Rong ruổi gốm Vijaya

Anh Quân LDO | 21/02/2018 06:52
Ở đảo quốc Brunei, trong 68 điểm đất liền, 1 vị trí tàu đắm, có không ít địa chỉ ẩn tàng đồ gốm Champa, mang xuất xứ Bình Định. Chuyên gia Hanapi Haji Maidin (Bảo tàng Quốc gia Brunei) đánh giá, sau gốm thương mại Trung Hoa, gốm Chăm giữ địa vị quan trọng tương tự sản phẩm cung cấp bởi người Thái, người Việt cho vùng đất của "những người thống trị biển cả" thế kỷ 14 - 16.

Tại Philippines, gốm Bình Định đĩnh đạc chiếm chỗ trong bộ sưu tập tư nhân toàn diện nhất về gốm sứ Á châu của Bảo tàng Ayala... Đấy chỉ là ví dụ riêng lẻ về quá khứ huy hoàng của gốm cổ Champa mà Bình Định - Vijaya xưa là cái tên đại diện.

Từ cao nguyên Nam Trung bộ

Đại diện, không phải kiểu nói vơ vào, lấy được. Giai đoạn từ thế kỷ 11 - 15, kinh đô Vijaya là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng nhất của Vương quốc Champa. Ở đó, bên cạnh thành quách điệp trùng, đền tháp uy nghiêm, cảng thị sầm uất là sự nở rộ của nghề thủ công sản xuất gốm.

Năm 1974, từ thông tin do một cá nhân ở Quy Nhơn tên Nguyễn Hượt phát đi về khả năng tồn tại của trung tâm sản xuất đố gốm, sau quen gọi bằng tục danh Gò Sành (Phụ Quang, Nhơn Hòa, An Nhơn), Viện Khảo cổ Sài Gòn liền cử người về khảo sát. Hóa ra, từ rất lâu, không ít cư dân địa phương đã đổi đời, "trúng mánh" nhờ bán giá hời cho giới sưu tầm đồ cổ những món bát, đĩa nguyên vẹn tìm thấy dưới lòng sông, trên gò đồi, ngoài vườn tược quanh nhà.

Tư liệu do nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Lăng công bố trên Tập san khảo cổ học Sài Gòn cho thấy sự phong phú của sản phẩm gốm Gò Sành, gồm hũ, lọ, đĩa, ngói dẹt dài đầu nhọn, ngói mũi hài kiểu Bắc, vật liệu kiến trúc... Ngoài nhận định sơ khởi là "đồ gốm Chàm", nhóm chuyên gia chưa có điều kiện tiến hành phân tích, giám định sâu thêm.

Thực tế thì gốm Bình Định từng có cơ hội trình làng sớm hơn, năm 1971, tại triển lãm gốm Đông Nam Á, bởi Wiliam Willets (Bảo tàng Singapore) với âu, bát, đĩa, bình vôi, lọ tì bà.

Sau gần nửa thế kỷ, tri thức gốm cổ Bình Định được mở mang, bồi đắp không ngừng. Cho đến nay, có 6 khu lò sản xuất gốm được nhận dạng gồm Gò Sành, Trường Cửu, Gò Cây Me (thị xã An Nhơn), Gò Ké, Gò Hời, Gò Giang (huyện Tây Sơn). Trừ Gò Ké, Gò Giang, 4 trung tâm còn lại đều được khai quật, nghiên cứu khảo cổ học; mới nhất là di chỉ Gò Cây Me, năm 2017.

Hơn 16.000 hiện vật thu được đã thành bằng chứng xác nhận vị thế, vai trò của gốm cổ Bình Định. Theo Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đơn vị hợp tác khai quật cạnh Bảo tàng Bình Định, gốm cổ Bình Định - Vijaya kết tinh "những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của di sản văn hóa Champa với nhiều loại hình di vật, trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau".

Bộ sưu tập chum gốm đất nung của ông Nguyễn Vĩnh Hảo (Bình Định)
Tạo tác dưới bàn tay những người thợ Champa tài hoa đã đi rất xa, bằng nhiều ngả đường trên rừng dưới biển. Thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, khảo cổ học phát hiện ở các di tích Đại Làng, Đại Lào, Đạ Đờn (Lâm Đồng), nhiều đồ tùy táng trong các khu mộ cổ là gốm Bình Định cùng gốm Bắc Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản. PGS.TS Bùi Chí Hoàng (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Trung bộ), nhận xét: "Cộng đồng cư dân cổ vùng đất Lâm Đồng một thời rất giàu mạnh đã chủ động mở rộng cánh cửa địa vực cư trú, tham gia vào mạng lưới gốm sứ thương mại quốc tế".

Nhà nghiên cứu tự do Trần Kỳ Phương và cộng sự, từ năm 2011, dựa trên vị trí các di tích khảo cổ, đã phục dựng con đường kết nối Vijaya của Vương quốc Champa với đế chế Angkor trong lịch sử. Một tuyến khác, vượt đèo An Khê lên Tây Nguyên, kết nối với Lào, Thái. Gốm Gò Sành còn hiện diện ở cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), ở di chỉ Tràng Sỏi (Hội An), những cảng thị huyết mạch.

TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, trong một công trình công bố năm 2000, ghi nhận có nhiều đồ gốm tráng men, vật liệu kiến trúc, mảnh trang trí đất nung ở tháp Po Shanu (Bình Thuận), Po Klong Garai (Ninh Thuận) mang phong cách Champa Bình Định...

Đến Indonesia, Philippines, Malaysia, Brunei, Ai Cập...

Đấy là những vùng đất lưu dấu "viễn chinh" của gốm Champa Bình Định, được "vẽ" nên dựa vào thành tựu khảo cổ học. Năm 1995, tại di tích tàu đắm Pandanan (Philippines) trong 4.722 hiện vật tìm thấy được, các nhà chuyên môn xác định có 3.228 đĩa men xanh nhạt và 75 bình men nâu của gốm Bình Định.

Cái lai lịch Bình Định, kỳ thực, mãi sau mới được đính kèm, khi phát hiện khảo cổ ở Trường Cửu, Gò Cây Me đóng vai trò minh định chứ giới học giả nước ngoài và các nhà sưu tầm cổ vật ở Indonesia, Philippines tới lúc đó, chỉ biết gọi một cách nhầm lẫn là gốm Trung Quốc, dưới tên Martavans hay Martaban, bắt nguồn từ địa danh thương cảng Martaban nổi tiếng của Brunei.

Đồ gốm Bình Định ở di tích tàu đắm Pandanan có hiện vật độc đáo là bình trang trí mặt Kala, bình trang trí hoa cúc. Căn cứ một số ghi chép đương thời, loại bình gốm ấy được xem là báu vật gia truyền của giới tinh hoa quyền quý, lớp thương nhân giàu có ở cả Philippines lẫn Indonesia. Kerry Nguyên - Long cũng có lưu ý tương tự với trường hợp chiếc đĩa đựng hoa quả có chân và cặp thần điểu Garuda ngồi xổm sưu tầm ở vùng Sulawesi, Đông Java, rằng là đồ gia bảo của một gia đình thượng lưu.

Trong nước, loại đĩa này chưa từng được tìm thấy, kể cả ở Hoàng thành Thăng Long. Nó chỉ được biết khi khai quật, trục vớt tàu đắm tại Hội An, điều làm nảy sinh phỏng đoán: Sản phẩm chế tác theo đơn đặt hàng hoặc chủ yếu để phục vụ xuất khẩu.

Đến thời điểm này, các nhà nghiên cứu đã đủ cứ liệu hình dung con đường thương mại gốm sứ sôi động trên biển, giai đoạn thế kỷ 14 - 15 mà gốm Champa Vijaya Bình Định là thứ sản vật không hề bị rẻ rúng.

Lần theo các di tích khảo cổ học, có thể đánh dấu sự hiện diện của gốm Bình Định không chỉ ở Sta Ana, Puerto Galera (Philippines), Banteng, Tanatraja (Indonesia), Bulit Sandon, Bukit Silam (Malaysia), Dazaifu (Nhật Bản) mà còn cả Al Tur, Catar (Ai Cập), bờ tây vịnh Suez hay Junfar (Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất)... Hành trình vạn dặm qua các đại dương hoàn toàn phù hợp với tiến bộ kinh tế - xã hội ở một xứ xở đang khắc khoải trở mình, qua hình ảnh, không khí tấp nập chưa từng thấy nơi những thương cảng dọc duyên hải trung bộ Việt Nam như Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Nước Mặn (Bình Định) cùng đội thương thuyền vào ra nhộn nhịp của Trung Quốc, Thái Lan, Đông Ấn Hà Lan, Nhật Bản...

Chưa nói là tự thưở xa xưa, trong căn cốt, người Chăm đã giỏi "làm kinh tế đối ngoại". Có một trùng hợp lý thú là hầu hết tháp Chăm đều mở về hướng đông, hướng biển. Champa là một thể chế biển.

Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng đã ngạc nhiên: Người Chăm biết làm thuyền to, thuyền nhỏ, biết dùng cát trắng nấu thủy tinh làm bát lọ, làm chuỗi hạt trang sức mà sử sách Trung Hoa cổ gọi là lưu ly, đầu Công nguyên. Họ biết đánh cá sông, cá biển, biết ra khơi buôn bán trên vùng Đông Nam Á, Hoa Ấn (Theo dòng lịch sử- Những vùng đất, thần và tâm thức người Việt).

GS.TS Nguyễn Văn Kim (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong tham luận Hệ thống thương cảng miền Trung thời đại Champa ở hội thảo về gốm cổ Bình Định - Vijaya (Quy Nhơn, tháng 10.2017) viết: "Người Chăm luôn gắn lịch sử dân tộc mình với biển, coi trọng các hoạt động bang giao, giao lưu kinh tế đối ngoại. Làm chủ một không gian tự nhiên có nhiều điều kiện thuận lợi, người Chăm đã phát huy triệt để các nguồn lực, những ưu thế tự nhiên vượt trội để kiến dựng, tổ chức hoạt động ở các thương cảng, thị cảng".

 BOX: Sửng sốt Hoàng thành Thăng Long

Niềm sửng sốt khác đến từ dự án khai quật quy mô quốc gia, các đợt 2002 - 2004, 2008 - 2009, ở Hoàng thành Thăng Long. "Nhiều bí ẩn về đời sống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng trong Hoàng cung Thăng Long cũng như mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Thăng Long và các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á trong lịch sử lần đầu tiên được khám phá dựa trên chứng cứ vật chất lấy lên từ lòng đất" (PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh Thành).

Riêng đồ gốm Champa Bình Định, niên đại nửa đầu thế kỷ 15, dưới phế tích đền đài cung điện, các nhà khảo cổ tìm ra một số loại bình, vò, hũ, chậu, tì bà, bát đĩa. Tất cả đều là gốm men nâu với sắc độ, chất lượng khác nhau. Sự tồn tại của gốm Chăm (mà thao tác nghiên cứu so sánh xác định chắc chắc chủ yếu xuất xưởng từ hai trung tâm Trường Cửu, Gò Cây Me) giữa Hoàng thành, ngay giai đoạn công nghệ sản xuất gốm ở Thăng Long phát triển vượt bậc, theo ông Trí "là câu chuyện hết sức thú vị".

Có nhiều giả thuyết về đường đi nước bước của những di vật trên. Nhóm nghiên cứu của PGS Trí cho rằng "đây có thể là đồ triều cống của Vương triều Vijaya với triều đình Thăng Long" và liên tưởng tới nguồn sử liệu đề cập chuyện sứ bộ Chiêm Thành khệ nệ mang lễ vật ra Thăng Long tiến cống các năm 1472, 1434, 1435.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn