MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi chưa có mạng lưới giao thông công cộng nội đô đủ đáp ứng, đề án hạn chế xe máy vào trung tâm TPHCM liệu có tính khả thi? Ảnh: M.Q.

Hạn chế xe máy vào trung tâm: Được thôi, nhưng dân đi bằng gì?

Thế Lâm LDO | 24/08/2018 10:26
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã trình UBND thành phố đề án “Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP.HCM”. Theo đó, xe máy có thể bị hạn chế và tiến tới cấm hẳn vào một số quận trung tâm theo một lộ trình từ năm 2020-2030.

Đề án do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nghiên cứu thực hiện. Các quận trung tâm TPHCM được đề xuất theo lộ trình từ hạn chế đến cấm hẳn xe máy gồm quận 1, 3, 5, 10).

Đề xuất hạn chế ôtô, xe máy vào trung tâm TPHCM hay Hà Nội theo giờ, ngày, khu vực, thời gian… không phải là vấn đề mới, mà đã được đề cập đến trong năm 2017. Thậm chí, có những cuộc khảo sát của đơn vị thực hiện đề án còn chỉ ra rằng, “đa phần” các ý kiến đồng thuận với việc hạn chế và tiến tới cấm hẳn ôtô, xe máy vào các quận/khu vực trung tâm Hà Nội và TPHCM.

Cũng là một công dân tại TPHCM, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương hạn chế xe máy và tiến tới cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm. Nhưng nếu phải bỏ phiếu để triển khai thực hiện, tôi chỉ gật đầu đồng ý khi chính quyền đã trả lời được câu hỏi: Vậy người dân đi bằng gì?

Vâng, hạn chế hay cấm xe máy vào khu trung tâm TPHCM thì dễ. Dễ cho sự quản lí của các cơ quan chức năng và chính quyền, nhưng sẽ rất khó đối với sự di chuyển của người dân, vốn nặng tập quán đi xe máy để cơ động cho công việc.

Nếu đề án đưa ra đề xuất hạn chế và tiến tới cấm xe máy vào khu trung tâm thành phố không kết nối và song hành được với việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng nội đô, thì sẽ rất khó triển khai được trên thực tế.

Hay nói cách khác, chúng ta không thể bàn trước việc hạn chế hay cấm xe máy trong khi nội đô TPHCM hầu như chưa có phương tiện giao thông công cộng hữu hiệu giải quyết việc đi lại trong khoảng cách ngắn và gần của người dân. Khi phần xây dựng các phương tiện giao thông công cộng nội đô còn chưa có hay chưa xong, thì việc hạn chế xe máy dù chỉ là bàn về đề án thôi, cũng trở thành chưa cần thiết vì không có tính khả thi.

Lấy điển hình thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, chỉ mỗi mạng lưới monorail đã giúp giải quyết giảm thiểu nhiều phương tiện giao thông cá nhân vì sự tiện lợi của nó. Khi TPHCM hay Hà Nội xây dựng được mạng lưới giao thông nội đô đa dạng và tiện ích, chính quyền không cần ban hành chính sách hạn chế hay cấm thì không ít người dân cũng tự nguyện giảm bớt việc sử dụng hoặc không sử dụng phương tiện cá nhân.

Trong bối cảnh giao thông đô thị TPHCM đang phức tạp và thậm chí nhiều khi hỗn loạn như hiện nay, trong khi mỗi dự án giao thông công cộng như metro hay monorail cần đến cả chục năm mới triển khai xong, thời hạn 2020, 2025 hay 2030 từ hạn chế đến cấm hẳn xe máy vào trung tâm Sài Gòn xem chừng càng không thể thành hiện thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn