MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Rừng trong phố biển” thông điệp thiên nhiên từ ống kính của một nhà văn

Lê Thanh Phong LDO | 29/01/2020 16:00
Những bức ảnh nhà văn Vĩnh Quyền chụp voọc, chim ở Sơn Trà được bạn bè trong giới nhiếp ảnh đánh giá cao. Ảnh của anh quá đẹp! Một Vĩnh Quyền nhà văn, một Vĩnh Quyền nhà báo, và nay là một nhiếp ảnh gia rất chuyên nghiệp.

Tay bút, tay máy

Tôi nhìn anh ở một góc của bạn bè, hiểu anh và thực sự nể trọng anh, một con người không ngừng làm việc, không ngừng suy tư và dốc hết tâm lực để sáng tác ra những tác phẩm có giá trị cho cuộc đời.

Nhớ chừng 4 năm trước, khi biết anh vật vã 7 năm với cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh “Debris of Debris”, tôi quá khiếp, nên viết ký sự nhân vật “Người tự lưu đày trong ngục thất chữ nghĩa”.

Những tưởng hoàn thành cuốn tiểu thuyết đày đọa đó, được Nhà xuất bản Austin Macauley (London, Anh) xuất bản, Vĩnh Quyền sẽ gác bút đi... câu. Nhưng những lần gặp nhau, chuyện trò mây gió lang thang, lại nghe Vĩnh Quyền nói về một cuốn tiểu thuyết mới, viết về các thế hệ người Việt mà anh đang ấp ủ. Tôi cứ nghĩ, ở tuổi của anh, thế là đã làm được quá nhiều việc, xuất bản nhiều đầu sách, sau “Debris of Debris”, chưa nghỉ ngơi lại còn tiếp tục tự lưu đày.

Một ngày đẹp trời, nhận được cuốn tiểu thuyết “Trong vô tận” anh ký tặng, tôi thất kinh. Càng đọc càng hay, tôi viết bài giới thiệu trên Lao Động với tựa đề “Trong vô tận là lòng yêu nước thương nòi”. Nhà thơ Nguyễn Duy, trong một cuộc rượu với bạn văn, đã nói rằng: “Trong vô tận của Vĩnh Quyền quá hay. Lâu rồi mới được đọc cuốn tiểu thuyết tầm cao như vậy”.

Những tưởng, sau “Trong vô tận”, Vĩnh Quyền đã vắt kiệt sức mình, chỉ còn đi... ngu ngơ và uống rượu. Nhưng không, anh đã không chịu dừng lại. Anh xách máy ảnh lên Sơn Trà. Quen biết Vĩnh Quyền lâu năm, tôi biết rất rõ một điều, Vĩnh Quyền đã làm việc gì thì sẽ làm tới nơi, sức tập trung rất cao và tất nhiên chất lượng rất cao. Đơn giản là trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, Vĩnh Quyền chưa bao giờ dễ dãi với bất cứ điều gì.

Có lần ra Đà Nẵng, Vĩnh Quyền chở tôi đi, cứ đi thế thôi và tôi cũng không hỏi đi đâu. Rồi chúng tôi dừng xe lại ở Sơn Trà. Hai anh em xách máy ảnh đi tìm voọc, nhưng suốt một buổi chiều, chỉ gặp được mấy chú khỉ. Đến khi xem lại hình, thấy thương chi lạ, vì máy ảnh loại amateur chỉ chụp được con gì đó lờ mờ giống khỉ. Thế là Vĩnh Quyền quyết tâm tậu cho được đồ nghề để chơi cuộc chơi nghệ thuật mà anh theo đuổi.

Theo chỉ dẫn và giới thiệu của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, tôi săn giúp anh được một chiếc máy xịn ở Sài Gòn, gửi ra Đà Nẵng ngay lập tức. Có máy nhà nghề vào tay, có một Vĩnh Quyền ba trong một. Ngoài nhà văn, nhà báo, còn là nhiếp ảnh gia với nhiều tác phẩm voọc và chim xuất sắc.

Và bạn bè không phải chờ đợi lâu, từng bức ảnh về voọc của anh xuất hiện trên trang cá nhân, đẹp quyến rũ, đẹp đến ngơ ngẩn. Với bộ ảnh “Voọc vá chân nâu”, cuối năm 2018, Vĩnh Quyền đã trở thành thành viên cộng đồng nhiếp ảnh của Tạp chí National Geographic. Ảnh chim di trú của Vĩnh Quyền cũng đã trên trang Birds - một chuyên trang về chim có tiếng khó tính trong tuyển chọn và nhận được hàng ngàn bình luận của các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã.

Rừng trong phố biển

Sau những “lần đầu tiên”, như: Nhà văn tại Việt Nam đầu tiên sáng tác tiểu thuyết bằng Anh ngữ với “Debris of Debris”... Vĩnh Quyền là tác giả đầu tiên của loại hình sách mới tại Việt Nam: Bút ký đường rừng và ảnh nghệ thuật về động vật hoang dã, hình thức song ngữ Việt Anh, kết nối văn học với khoa học, ảnh báo chí với ảnh nghệ thuật.

Cuốn sách “Rừng trong phố biển” (Forest in the coastal city) nhận được tài trợ từ tổ chức Douc Langur Foundation (Hoa kỳ):  1. Chịu trách nhiệm biên tập thông tin khoa học 2. Phân phối sách đến tay các nhà nhiếp ảnh và nhà khoa học quốc tế quan tâm loài voọc vá chân nâu tại rừng Sơn Trà, Đà Nẵng, Việt Nam.

Hai nhà khoa học hàng đầu thế giới về ngành linh trưởng viết lời giới thiệu sách, đó là Lydie Vander Beeken - nhà sáng lập tổ chức Heart for Primates và Lois K. Lippold - Tiến sĩ, Chủ tịch Tổ chức Douc Langur Foundation.  

Lydie Vander Beeken viết: “Ngày mỗi ngày, Vĩnh Quyền chuyển thông tin về Sơn Trà đến bạn đọc. Qua từng bức ảnh, ông mang những câu chuyện về voọc vá chân nâu đến tận phòng khách sạn của bạn. Đời sống của chúng khác với chúng ta, con người? Chúng cũng có tình yêu và cảm xúc? Không nghi ngờ gì về điều đó khi bạn xem những bức ảnh của Vĩnh Quyền. Vì vậy, con người không nên cho mình có quyền tước đoạt môi trường sống của chúng khiến chúng lâm cảnh hiểm nghèo. Linh trưởng không có tiếng nói để tự vệ. Thay vào đó, chúng ta hãy lên tiếng đại diện cho chúng”.  

Vĩnh Quyền đã lên tiếng, ở trên tôi muốn nói “Vĩnh Quyền dấn thân vào cuộc chơi nghệ thuật, nhưng không chỉ thế” là vì anh có khát vọng khác, đó là dùng tác phẩm nghệ thuật để chuyển tải đến cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên hoang dã.

Anh viết: “Một chiều muộn cuối tháng 11.2017, lần đầu tiên tôi đến Sơn Trà. Vào rừng, tôi có cảm giác phiêu lưu trên con đường hẹp vắng vẻ và bóng tối dâng lên nhanh hơn tôi tưởng. Lúc ấy, tôi với Sơn Trà là một cánh rừng rậm rộng lớn. Rồi giờ đây tôi lại thấy khu bảo tồn thiên nhiên này có diện tích khiêm tốn và dấy lên nỗi lo lắng nó sẽ không cung ứng đủ thức ăn cho 287 loài động vật hoang dã tồn tại. Càng lo hơn khi chứng kiến rừng Sơn Trà đã và đang liên tục hứng chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động kinh tế du lịch thiếu kiểm soát. Không rõ đó có phải là lý do tôi thường bắt gặp nỗi lo âu và đôi khi cả giận dữ trong ánh mắt voọc Sơn Trà?”.

Cùng với thao thức đó, từng ngày, từng ngày, Vĩnh Quyền lặn lội lên Sơn Trà, âm thầm với rừng, với suối, nhẫn nại chờ đợi để chụp những bức ảnh đẹp đến rợn người về chim, về voọc. Và hằng ngày, bạn bè hóng từ anh những bức ảnh mới và có lẽ chưa ai phải thất vọng.

Một lần ra Đà Nẵng, cùng với Vĩnh Quyền trò chuyện về chim và lại một lần tôi lại hoảng hồn khi nghe anh nói về các loài chim, đặc biệt là chim di trú từ phương xa đến Sơn Trà ở trọ.

Vĩnh Quyền là vậy, đã không theo đuổi việc gì thì thôi, còn đã vào cuộc thì đi tới cùng, hiểu biết tường tận, nói ra là có trách nhiệm với thông tin mình cung cấp. Tôi được thưởng thức một bữa tiệc chim “ngon” tuyệt vời, nhưng không phải mồi nhậu mà kiến thức về chim.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn