MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rượu cần trong đời sống của người dân tộc M'nông

Phan Tuấn LDO | 20/01/2023 20:56

Theo quan niệm của người M’nông ở tỉnh Đắk Nông thì rượu cần là nước uống của thần linh. Rượu cần là một thức uống luôn có mặt trong các dịp lễ hội, các cuộc vui, đón khách quý hay bạn bè phương xa... 

Rượu cần là thức uống đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Dương Phong

Rượu cần mang niềm vui, tốt lành

Rượu cần là một trong những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực của đồng bào M’nông nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung.

Vì thế, mỗi khi tiếng cồng chiêng vang lên hay trong ánh lửa bập bùng thì rượu cần lại tỏa hương, chia sẻ vui buồn với đồng bào.

Theo quan niệm của đồng bào M’nông thì rượu cần (Yăng n’ranh) là nước uống của Yàng (thần linh). Thần linh sai sứ giả xuống hướng dẫn cách làm rượu cho đồng bào. Thế nên, ngoài giá trị vật chất thì rượu cần còn mang giá trị văn hóa giao tiếp tinh thần sâu sắc.

Rượu cần được làm bằng chính những nguyên liệu sẵn có như sắn, ngô, gạo nếp, gạo tẻ, bo bo... Tuy nhiên, rượu cần ngon nhất và được ưa chuộng nhất là loại nếp than hoặc hạt kê được trồng trên đất đỏ bazan.

Trước kia, nguyên liệu để làm rượu cần là sự hòa trộn của các loại ngũ cốc hoặc xen cùng những loại củ thì nay chủ yếu làm bằng cơm nếp, chỉ có chất men là vẫn còn lưu giữ.

Khi uống, người ta đổ nước suối (hoặc nước đun sôi để nguội) vào ché, rồi cắm cần trúc vào để người uống hút lên. Men rượu cần nhẹ, ngọt dịu, nhưng cũng tạo nên cảm giác say la đà, rất dễ kích thích tâm trạng con người vui vẻ, cởi mở, hòa đồng với nhau.

Hương vị nồng nàn của men lá rừng khiến người uống có cảm giác lâng lâng, ngây ngất, dẫu say, nhưng vẫn muốn được uống thêm, vui mãi.

Bởi thế, khi vào các gia đình người M’nông, chúng ta đều thấy những ché rượu để trong góc nhà, như minh chứng một điều rằng, trong hoàn cảnh nào thì ché rượu cần luôn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của đồng bào.

Qua thực tế cho thấy, rượu cần mang lại niềm vui, sự tốt lành, yên vui nên là thức uống cho cả gia đình, những người già, trẻ đều được uống. Thậm chí, những đứa trẻ sơ sinh cũng được cha, mẹ cho nhắm môi khi vừa lọt lòng...

Hơn nữa, rượu cần chính là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng. Từ giúp mọi người xích lại gần nhau và đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách.

Vì thế, trong quá trình lao động sản xuất cũng như khi sử dụng, làm rượu cần, đồng bào M’nông luôn tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiêng kỵ như không làm men rượu vào độ xoài trổ bông, lúa làm đồng.

Mặt khác, phụ nữ có thai hay đang trong giai đoạn kiêng cử thì không được đến gần, không gây vỡ ché, không làm gãy cần… Làm rượu cần thì bản thân người làm phải “sạch sẽ” thì rượu mới ngon và không có lỗi với thần linh.

Những ché rượu cần được đóng gói đẹp mắt. Ảnh: Dương Phong

Giữ nghề truyền thống

Ở bon Buzarah, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp, chị Thị Hà Ri Na được biết đến là người tâm huyết với nghề làm rượu cần truyền thống.

Là người con M’nông, chị Thị Hà Ri Na được mẹ truyền nghề từ rất sớm. Sau khi lập gia đình và ra ở riêng, chị tiếp tục gắn bó với rượu cần để có thêm thu nhập và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo chị Thị Hà Ri Na, làm rượu cần không khó, song đòi hỏi người làm phải cẩn thận trong từng công đoạn. Rượu cần được ủ từ men lá và rễ cây rừng, nhờ cách ủ truyền thống cùng với men đặc trưng, sản phẩm rượu cần có sự khác biệt, mang hương vị của núi rừng.

"Gắn bó với nghề này, ngoài có thêm thu nhập, tôi còn bảo tồn được văn hóa truyền thống của dân tộc. Rượu cần giờ được người dân sử dụng nhiều hơn, nhất là trong dịp lễ, Tết, tiệc tùng... nên chúng tôi có điều kiện để tăng thêm thu” - chị Thị Hà Ri Na chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn