MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sắc phong của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán được con cháu gìn giữ tại đền thờ ông. Ảnh: Ngọc Viên

Sắc phong ở Quảng Ngãi, trăm năm vẫn vẹn nguyên màu giấy

VIÊN NGUYỄN LDO | 09/02/2024 13:45

Quảng Ngãi - Trải qua hàng trăm năm, các dòng tộc, chùa, đình làng… ở Quảng Ngãi vẫn còn gìn giữ hàng trăm sắc phong có giá trị của các triều đại.

Niềm tự hào của gia tộc

Những nơi thờ tự như đền Bùi Tá Hán ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi hiện còn lưu giữ 23 sắc phong; đình làng Thi Phổ ở xã Đức Tân, Mộ Đức, lưu giữ 24 sắc phong. Ngoài ra, nhiều ngôi chùa, nhà thờ họ, các đền miếu ở Quảng Ngãi còn gìn giữ nhiều sắc phong quý.

Tiến sĩ Bùi Phụ Anh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán, cháu đời thứ 14 của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán chia sẻ: 23 sắc phong của cụ Bùi Tá Hán đều được gìn giữ tại đền thờ ông.

Bên cạnh đó, gia phả từ đời cụ Bùi Tá Hán đến đời thứ 17 được viết lại rất công phu, nhằm để con cháu biết tường tận nguồn gốc tổ tiên, qua đó khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống.

Sắc phong ở Quảng Ngãi có hai loại: Sắc phong thần linh và sắc phong nhân vật. Trong hàng trăm bản sắc phong, thì sắc phong ban cho Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán là nhiều nhất. Tại đền thờ Bùi Tá Hán có 9 sắc phong cho ông từ thời Vua Cảnh Thịnh đến vua Khải Định. Trong đó, bản sắc phong thời Cảnh Thịnh là một trong hai bản sắc phong cổ nhất tìm thấy ở tỉnh Quảng Ngãi.

Các bản sắc phong được trụ trì, đồ đệ trong chùa Hoa Sơn coi giữ, trân quý. Ảnh: Đăng Sương

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Qua nhiều đợt khảo sát trong vài năm trở lại đây, Quảng Ngãi chỉ còn hơn trăm đạo sắc phong, không ít trong số đó không còn nguyên vẹn. Dù vậy, vẫn còn nhiều bản sắc phong quý được lưu giữ như 7 sắc phong thần và 14 thị tỉ của các chúa Nguyễn cho Trần Cẩm và các ông họ Trần ở đây.

Tại nhà thờ họ Trần ở huyện Mộ Đức, có sáu người được phong thần, đây là điều rất hiếm có trong lịch sử các dòng họ ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.

Ngôi chùa lưu giữ 18 đạo sắc phong quý

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, sắc phong là một loại hình văn bản đặc biệt và cũng là những bảo vật thiêng liêng, nên có giá trị lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần ở các làng xã, hoặc có khi cho cả vùng miền, quốc gia, dân tộc. Các loại sắc phong cho các thiên thần, nhiên thần, thủy thần... dù ở triều đại nào cũng luôn luôn xứng đáng được trân trọng, bởi chúng chứa đựng nhiều giá trị thể hiện đúng nguyên lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Nằm ở hữu ngạn sông Trà Khúc, chùa Hoa Sơn ở xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi hiện lưu giữ 18 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Đây là những sắc phong do dân làng gửi nhà chùa lưu giữ và thờ phụng, được nhà chùa gìn giữ và lưu lại gần như nguyên vẹn đến ngày nay.

Không phụ niềm tin của người làng, các sư chùa Hoa Sơn đã luân phiên nhau gìn giữ trọn vẹn 18 đạo sắc phong suốt mấy trăm năm. Các sắc phong được nâng niu, lưu giữ trong hộp gỗ sơn son, nên dù đã qua mấy trăm năm, hầu hết sắc phong này đều vẹn nguyên màu giấy.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, sắc phong ở chùa Hoa Sơn chủ yếu là những sắc phong của triều Nguyễn ban cho nhân dân địa phương phụng thờ người có công trạng với đất nước. Đặc biệt là các công thần khai mở vùng đất phía Nam của Tổ quốc, như: “Quang Chiếu Vương” (Mai Đình Dõng) - người được Chúa Nguyễn Hoàng giao nhiệm vụ trấn giữ vùng đất Quảng Nam xưa (từ đèo Hải Vân đến Phú Yên) vào cuối thế kỷ XVI; Lương Văn Chánh - người có công khai mở vùng đất Phú Yên vào năm 1611.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn