MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sách điện tử đang là xu thế. Ảnh: AFP

Sách điện tử là xu thế của phát triển

Lý Viết Trường LDO | 06/10/2022 08:00

Luật Xuất bản năm 2012 định nghĩa, xuất bản phẩm điện tử bao gồm sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook), sách có video (video book), sách 3D, sách thực tế ảo tăng cường (AR book)… Ở thị trường Việt Nam hiện nay, phổ biến hai loại hình là sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook).

Tại Hội thảo khoa học Xuất bản Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển, trong tham luận trình bày về thị trường sách điện tử ở Việt Nam của đại diện nhà xuất bản Trẻ cho rằng, hiện nay cách hiểu về sách điện tử như là sách in được chuyển đổi sang định dạng số để đọc trên các thiết bị số như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng, ipad, điện thoại… là chưa đủ. Theo đó sách điện tử phải có hai đặc tính quan trọng là không thể can thiệp nội dung và thích ứng với từng loại màn hình.

Thực trạng sách điện tử ebook hiện nay

Những năm cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, trong bối cảnh thị trường sách điện tử trên thế giới phát triển mạnh thì ở Việt Nam loại hình sách này cũng đã ra đời những tên tuổi như Alezaa, Lạc Việt, Sachweb, Ybook, Komo… Giai đoạn đầu thị trường sách điện tử ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn như nhiều loại hình sách cạnh tranh, nền tảng nội dung và công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu, nạn vi phạm bản quyền…

Trải qua quá trình hơn 10 năm xây dựng, đến nay thị trường sách điện tử đã có những bước tiến đáng kể, nếu như năm 2015 có 1.163 xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu thì đến năm 2020 con số đã là 2.000 và năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm. Tính đến đầu năm 2022 đã có 12/57 nhà xuất bản được cấp phép sách điện tử, con số này vẫn tiếp tục gia tăng.

Đại diện nhà xuất bản Trẻ khẳng định: Dù thực trạng sách điện tử có lúc ảm đạm, nhưng cũng phải khẳng định rằng sách điện tử vẫn và sẽ còn tồn tại và phát triển; sách điện tử dựa trên nền tảng công nghệ tiếp tục là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xuất bản. Đến nay sách điện tử vẫn đang tồn tại bên cạnh sách nói (audiobook), ngày càng lớn mạnh.

Theo đại diện nhà xuất bản Trẻ, có hai nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng trưởng của thị trường sách điện tử trong thời gian qua: Việc cấp phép hoạt động xuất bản điện tử cho các nhà xuất bản đã được thúc đẩy nhanh hơn; từ năm 2019, một số ứng dụng sách nói đã ra đời như Fonos, Voiz FM, Waka… các ứng dụng này đã nhanh chóng bắt kịp và đáp ứng đúng nhu cầu của độc giả.

Triển vọng phát triển

Để đẩy mạnh phát triển sách điện tử trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực xuất bản, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, đại diện nhà xuất bản Trẻ đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện như nên có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử, đó là các loại sách dựa trên nền tảng công nghệ như ebook (sách điện tử), audiobook (sách nói), VR book (sách thực tế ảo)…

Hoàn thiện hệ thống pháp lý, tăng cường số lượng đơn vị được phép xuất bản sách điện tử. Có cơ chế hoặc cơ quan bảo vệ quyền tác giả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền, bảo vệ quyền tác giả… từ đó giảm thiểu thiệt hại do vi phạm bản quyền gây ra.

Tiềm lực về nền tảng công nghệ của các đơn vị làm sách điện tử còn hạn chế, vậy nên cần có chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị này để nâng cấp và cập nhật tiến bộ kỹ thuật. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng chuyên môn xuất bản và công nghệ cho những người phục vụ sản xuất sách điện tử. Tận dụng được nguồn nhân lực và sự tiến bộ của công nghệ để phát triển thị trường sách điện tử, từ đó đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa đọc tới khắp mọi miền đất nước và trên khắp thế giới.

Như vậy trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay sách điện tử là xu thế phát triển của xuất bản thế giới, ở Việt Nam thị trường sách điện tử trải qua hơn 10 năm phát triển cũng đã có những thành công bước đầu. Hy vọng trong thời gian tới, thị trường sách điện tử sẽ tiếp tục phát triển để đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa xu thế phát triển văn hóa đọc hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn