MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sách giúp họ vững vàng dấn bước

Việt Văn (thực hiện) LDO | 04/10/2022 06:00

Họ là ba gương mặt nhà văn trẻ hiện đang sung sức, xuất bản nhiều tập sách, đoạt nhiều giải thưởng và đang sống ở các thành phố khác nhau. Nhà văn Tống Phước Bảo hiện sống ở TP.Hồ Chí Minh, nhà thơ Lữ Mai, hiện sống ở Hà Nội và nhà văn Phan Đức Lộc hiện sống ở Điện Biên. Cả ba đều sớm tạo dựng cho mình một giọng điệu riêng và có lượng fan riêng. Cuộc trò chuyện bàn tròn với ba người về sách “người bạn tốt”.

Từ trái qua phải: Nhà văn Tống Phước Bảo, nhà thơ Lữ Mai và nhà văn Phan Đức Lộc. Ảnh do nhân vật cung cấp.

- Sách có vai trò và tác động đến cuộc sống của bạn như thế nào, nó có đủ sức nâng đỡ bạn trong những thời điểm khó khăn nhất?

Nhà văn Tống Phước Bảo:

Sách luôn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Bởi đó là một nền tảng tri thức hữu ích cho chúng ta, nhất là ở thời đại phát triển không ngừng như ngày nay. Mọi thứ chúng ta đều cần phải học. Và đọc cũng là một sự học hữu ích. Với cá nhân tôi, có những cuốn sách đã đi theo mình qua nhiều năm tháng, bởi ở đó tôi học được sự bình tâm, sự chiêm nghiệm chính bản thân, từ đó tôi tìm được cho mình một cuộc sống an nhiên hơn.

Nhà thơ Lữ Mai:

Với tôi, sách có vai trò không thể thay thế. Khi còn là cô bé học trường làng, ở một vùng quê nghèo, ngoài sách giáo khoa, chúng tôi gần như không có sách đọc. Tôi nhớ, mỗi lần có dịp lên huyện, phần nhiều để nhận chế độ thương binh, bố tôi đều dành những đồng tiền gom góp mua cho tôi một cuốn sách. Những cuốn sách đồng hành với tôi từ những năm tháng ấy cho tới sau này. Ở những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc sống, dù có thể không còn thời gian, tâm trí để đọc sách, song, giá trị từ sách luôn lan tỏa và giúp tôi vững vàng hơn trước mọi quyết định, dù đó là dấn bước hay buông xuôi.

Nhà văn Phan Đức Lộc:

Sách giúp tôi nâng cao kiến văn, làm giàu tâm hồn và đặc biệt là để tôi thấy được rằng mình bé nhỏ thế nào, hạn hẹp ra sao giữa biển kiến thức vô tận. Khi buồn nhất hay khó khăn nhất, tôi luôn tìm đến sách như một phương cách xoa dịu những tổn thương trong cuộc sống. Và nói thật, đôi khi, tôi đọc sách với mục đích rất thực dụng là nhằm chống lại sự lạc hậu để thấy mình không bị lạc lõng, ú ớ khi nói chuyện với bạn bè, nhất là bạn văn.

- Công nghệ số đã làm chuyển đổi việc đọc sách và sáng tác văn học của bạn như thế nào?

Nhà văn Tống Phước Bảo:

Ngày nay sự phát triển của công nghệ số đối với người sáng tác cũng là một lợi điểm. Tác phẩm dễ dàng lan tỏa đến độc giả một cách nhanh và rộng hơn. Ngoài ra việc đọc các tác phẩm của bạn bè, các tác phẩm nước ngoài cũng thuận tiện hơn. Đặc biệt khi cần tra cứu tư liệu chúng ta cũng dễ dàng hơn ngày xưa rất nhiều. Tuy nhiên người sáng tác cũng cần chọn lọc nền tảng công nghệ nào chính xác, nghiêm chỉnh để phục vụ nhu cầu của mình một cách tốt nhất.

Nhà thơ Lữ Mai:

Đây là câu chuyện được tranh luận, quan tâm nhiều, nhất là giai đoạn sau khi toàn xã hội trải qua đại dịch COVID-19. Nhìn chung, thói quen đọc sách theo phương thức truyền thống của tôi không bị tác động từ công nghệ số mà nói đầy đủ hơn thì công nghệ số đã bổ sung thêm vào sự sáng tạo và thụ hưởng giá trị từ sách. Chẳng hạn, tôi có thể vừa nấu ăn vừa nghe sách nói. Đọc sách cùng con với bản sách điện tử. Và đặc biệt, những cuốn sách của tôi cũng đã được lên kế hoạch chuyển đổi số để tiếp cận nhiều hơn nữa đối tượng bạn đọc. Tôi không nghĩ công nghệ và phương thức truyền thống sẽ triệt tiêu, cạnh tranh nhau mà tôi nghĩ nhiều tới sự bổ sung, tương tác phù hợp với điều kiện khách quan của cuộc sống.

Nhà văn Phan Đức Lộc:

Công nghệ số giúp tôi có thể đọc và viết mọi lúc mọi nơi với một chiếc điện thoại thông minh đầy pin và kết nối mạng, thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chiến thắng sức cám dỗ của các loại hình giải trí nghe nhìn khác, chiến thắng sự lười biếng luôn thường trực trong bản thân để cố gắng đọc và viết đều đặn mỗi ngày như một thói quen, nhu cầu cần thiết. Nhưng thú thực, tôi vẫn thích đọc sách giấy và sáng tác bằng việc viết tay hơn. Bởi những cách truyền thống này có sự thú vị riêng, ý nghĩa riêng mà đôi lúc công nghệ số chưa đáp ứng được. Vì vậy, tôi cố gắng tiếp thu công nghệ hiện đại, song vẫn duy trì các giá trị truyền thống phù hợp với cái tạng của bản thân.

- Cuốn sách nào gối đầu giường với bạn và có một câu nào trong sách làm bạn tâm đắc nhất?

Nhà văn Tống Phước Bảo:

Tôi vẫn hay đọc lại cuốn tiểu thuyết “Suối nguồn” của Ayn Rand. Có rất nhiều câu chữ trong sách khiến tôi ấn tượng và nhớ. “Nếu một người không tôn trọng bản thân mình thì người đó không thể yêu hay tôn trọng người khác được”. Tôi thích câu nói này của nhân vật Roark. Nó như một sự chuẩn mực để con người ta học được cách yêu thương chính mình và cuộc đời này.

Nhà thơ Lữ Mai:

Trong nhiều cuốn sách yêu thích, tôi luôn ấn tượng với “Hoàng tử bé” của tác giả Antoine de Saint-Exupéry. Tôi đã đọc cuốn sách từ thời thơ ấu và ở nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi khi đọc lại, tôi đều nhận ra sự thú vị và những giá trị riêng. Trong sách có câu: “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy được”.

Nhà văn Phan Đức Lộc:

Cuốn sách yêu thích của tôi là truyện vừa “Người thầy đầu tiên” của văn hào Aitmatov - một kiệt tác mà mỗi lần đọc lại đều mang đến cho tôi những chiêm nghiệm riêng. Tác phẩm kể về tình thầy trò cao đẹp với một cốt truyện cảm động, chi tiết ấn tượng, văn phong đẹp sống động, giàu không khí, hình ảnh, nhạc điệu và đặc biệt là những thông điệp sống vô cùng nhân văn, sâu sắc. Trong truyện này, tôi rất thích câu văn: “Năm qua tháng lại, dĩ vãng đã xa xăm, mà hiện tại thì luôn cất tiếng gọi trở về với cuộc sống, với những nỗi lo âu bận rộn lớn nhỏ hằng ngày”. Đúng thật vậy, hãy sống tốt cho hiện tại chính là cách trả ơn cho quá khứ và chuẩn bị hành trang cho tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn