MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vở nhạc kịch thiếu nhi “Cuộc chiến vô cực” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ

Sân khấu rục rịch chuẩn bị sáng đèn trở lại hậu giãn cách

Hải Ngọc LDO | 08/10/2021 06:30
Sau một thời gian “cửa đóng then cài” do dịch bệnh COVID-19, nhiều sân khấu đã rục rịch chuẩn bị sáng đèn trở lại để phục vụ khán giả Thủ đô. Thực tế, ngay khi dịch bệnh còn đang căng thẳng, các nghệ sĩ vẫn âm thầm tập luyện, thai nghén ý tưởng cho các tác phẩm nghệ thuật để sẵn sàng cho ngày trở lại.

Tích cực chuẩn bị

Sau gần 2 tháng giãn cách xã hội, mọi hoạt động ở Hà Nội đã dần trở lại trạng thái bình thường. Cùng với đó, các sân khấu nghệ thuật đã tích cực chuẩn bị để trở lại với khán giả. Bên cạnh dựng lại các vở kịch cũ, nhiều đơn vị nghệ thuật đã đầu tư các dự án, chương trình mới với nội dung hấp dẫn, giàu giá trị nghệ thuật. Các nghệ sĩ, diễn viên cũng dồn tâm huyết, nỗ lực tập luyện, háo hức mong chờ ngày sân khấu chính thức mở cửa trở lại.

Nhà hát Kịch Việt Nam vừa khởi dựng lại vở kịch “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long nhân kỷ niệm 100 năm vở kịch nói đầu tiên này của Việt Nam công diễn. Trong khi đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang hoàn thiện vở xiếc “Biệt đội siêu anh hùng giải cứu” để chuẩn bị ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình và mạng xã hội. Từ đầu tháng 10.2021, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đã kết hợp dàn dựng tiếp vở diễn “Thượng Thiên Thánh Mẫu” trong dự án “Huyền sử Việt”…

Cùng với việc tập lại vở diễn “Cuộc chiến vô cực” và chương trình ca múa nhạc “Thank xuân” để ghi hình phát sóng trên các đài truyền hình theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Tuổi trẻ đưa lên sàn tập vở kịch nói “Ao làng” và vở kịch nói “Ngược chiều gió” để tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 và phục vụ khán giả khi sân khấu mở cửa.

Sau khi các hoạt động được nới lỏng, các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long háo hức với lịch tập xen kẽ cho các chương trình mới. Vừa xong chương trình tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch COVID-19 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, các nghệ sĩ bắt tay thực hiện tiếp chuỗi chương trình “Thế giới của chúng em” số 7, 8, 9 hướng đến phục vụ khán giả nhỏ tuổi dịp Giáng sinh và đón năm mới 2022. Nhà hát cũng xây dựng kịch mục để tổ chức chương trình đưa nghệ thuật múa rối đến với trường học, khi các nhà trường được phép đón học sinh trở lại.

Còn theo NSƯT Trịnh Kim Chi, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi đã chuẩn bị một số kịch bản để chờ ngày TP.Hồ Chí Minh mở cửa, nghệ sĩ tập online trước, thoại trước, phân tích nhân vật… Khi TP tạm ổn, anh chị em nghệ sĩ được đi lại tập vở mới, sân khấu sẽ làm lễ cúng tổ trong nội bộ. Hiện nay, một số anh chị em đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng nhiều người chỉ mới tiêm mũi 1, đang chờ tiêm mũi 2 nên sân khấu vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi.

Truyền năng lượng tích cực

Dịch COVID-19 đã làm đóng băng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong gần hai năm qua. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, đây cũng là nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ xây dựng những tác phẩm nghệ thuật nói lên sự gian khổ hy sinh của lực lượng tuyến đầu, lan tỏa những giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc chiến chống dịch của người dân Việt Nam.

Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị đầu tiên dàn dựng một tác phẩm về đề tài về dịch COVID-19. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Lê Hùng, vở kịch “Cuộc chiến COVID” ra mắt cuối năm 2020 đã mang đến những góc nhìn đa chiều từ thực tiễn phòng, chống dịch ở nước ta. Ở đó, có hình ảnh đẹp về sự hy sinh, kiên cường của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch, của những người lính sẵn sàng nhường chỗ ở cho người cách ly…

NSND Lệ Ngọc cho biết, các nghệ sĩ không có mặt ở tuyến đầu chống dịch nhưng vô cùng tự hào bởi đóng góp một phần vào công cuộc chống dịch bằng văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, nhóm nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để tìm hiểu thực tế, quan sát động tác, cử chỉ của y bác sĩ và các bệnh nhân F0. Lãnh đạo bệnh viện đã cho Sân khấu Lệ Ngọc mượn toàn bộ đạo cụ để dựng vở.

Ở mảng sân khấu cho thiếu nhi, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã thực hiện vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” để kể câu chuyện về dịch COVID-19 bằng ngôn ngữ trong sáng, hồn nhiên đồng thời trang bị cho trẻ em những kỹ năng sống trong bối cảnh của dịch bệnh. Theo đạo diễn Lại Huy Hoàng, khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành ở Việt Nam và thế giới, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã có ý tưởng thực hiện một tác phẩm sân khấu về đề tài này.

Đạo diễn Lại Huy Hoàng cho biết những khó khăn, vất vả của các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch xứng đáng được tôn vinh trong các loại hình nghệ thuật. Với ngôn ngữ nhạc kịch vui nhộn, hấp dẫn, mang tính giáo dục nhưng không nặng nề, giáo điều, vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” sẽ giúp các em có thể tiếp cận nhanh nhất với tác phẩm. 

Vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” dự kiến sẽ ra mắt khán giả khi hoạt động nghệ thuật biểu diễn được cho phép hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ do dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập để giải quyết những khó khăn do tác động nặng nề của dịch COVID-19. Ông khẳng định Bộ cũng sẽ xem xét nguồn kinh phí để hỗ trợ các nhà hát trong 6 tháng cuối năm nhằm góp phần ổn định đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ và đầu tư kinh phí sản xuất các chương trình nghệ thuật.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang gấp rút hoàn thiện “Đề án sắp xếp nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở trung ương,” sớm kiện toàn lại bộ máy, điều chỉnh, đề xuất những cơ chế phù hợp với thực tế, giúp ngành nghệ thuật biểu diễn tồn tại và phát triển với tầm nhìn lâu dài..

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn