MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Sáng 16.8, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phải đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”

Nhóm PV LDO | 16/08/2022 11:03

Theo thông tin từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sẽ phải tới gặp lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam làm việc vào sáng 16.8.

Trả lời báo chí, đại diện Học viện Âm nhạc QG Việt Nam thông tin, trong ngày 16.8, Hồ Hoài Anh sẽ có buổi làm việc với Hội đồng kỷ luật của nhà trường.

Theo đó, Hồ Hoài Anh sẽ giải trình về việc đi nước ngoài không xin phép hơn 1 tháng qua. 

Từ cuối tháng 6.2022, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng đã chụp ảnh, livestream về việc có mặt trên bán đảo Mallorca (Tây Ban Nha). 

Lãnh đạo Học viện đã tạm dừng công tác của Hồ Hoài Anh ngay sau khi lùm xùm xảy ra ở Tây Ban Nha. Trước đó, nhạc sĩ đang là giảng viên cơ hữu của Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Chiều 7.8, Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đã về nước sau hơn 1 tháng kẹt tại Tây Ban Nha để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông xác nhận với báo chí, ngày 15.8, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chưa đến trình diện nên Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam và chưa có báo cáo về việc nam nhạc sĩ giải trình.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết sau khi giải trình với các cơ quan nơi nghệ sĩ công tác, hai nghệ sĩ Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh sẽ làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cơ quan có đủ thẩm quyền xử lý vụ việc.

Cổng Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam sáng 16.8. Ảnh: Phương Trang

Trao đổi với Lao Động về vụ việc, Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: "Cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn phải chờ kết luận cuối cùng của tòa án sở tại Tây Ban Nha - nơi 2 nghệ sĩ bị cáo buộc tấn công tình dục.

Hiện, tòa án chưa có thông báo, chưa có bản án chính thức về vụ việc của 2 nghệ sĩ nên mọi sự kết án đều sẽ là vội vàng.

Sau khi tòa án sở tại ra kết luận, dựa trên những kết quả đó, các cơ quan quản lý trực tiếp 2 nghệ sĩ mới đưa ra quyết định kỷ luật, có thể buộc thôi việc hoặc hạ bậc lương, khiển trách, cảnh cáo... còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Hình thức kỷ luật của cơ quan chủ quản được đưa ra dựa trên quy định của cơ quan và luật viên chức. Khi viên chức bị buộc thôi việc thì thường sẽ rơi vào trường hợp họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nghỉ việc nhiều ngày không lí do, hoặc vi phạm về đạo đức, lối sống".

Theo luật sư Trần Bá Học, trong điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức và viên chức (áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý), viên chức sẽ đối mặt với 3 mức kỷ luật lần lượt là khiển trách, cảnh cáo và nặng nhất là buộc thôi việc.

Ngoài ra, theo khoản 1 điều 16 NĐ số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, cơ dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức trong trường hợp viên chức "Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản".

Trong trường hợp của Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh, tính đến thời điểm hiện tại, cả hai đều không xin phép cơ quan chủ quản khi sang Tây Ban Nha, đến nay vẫn chưa giải trình, báo cáo với cơ quan về vụ việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn