MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cậu Vàng rời rạp với doanh thu lỗ nặng vì sự “cố chấp” của nhà sản xuất. Ảnh: NSX

Sau hàng loạt phim thất bại: 2021, điện ảnh Việt có rút được kinh nghiệm gì?

NGỌC DỦ LDO | 22/02/2021 09:43
Năm 2020, điện ảnh Việt gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19. Một vài phim có doanh thu trăm tỉ đồng trong năm qua vẻ như đã “che mắt” sự thật về những cú “ngã ngựa” đáng báo động. Đó là cái giá đắt phải trả, khi chạy theo những chiêu trò, màu mè thay vì đầu tư nội dung, chất lượng. Nhìn tới năm 2021, một nỗi lo lớn đặt ra cho các nhà làm phim đó chính là kịch bản. Khán giả không còn dễ dãi như trước và có sự sàng lọc phim rất cao.

Vài chuyện phim buồn

Là một một phim về võ thuật, ra rạp vào dịp Tết Dương lịch 2021, sau 6 ngày trình chiếu, “Võ sinh đại chiến” chỉ thu được chưa đầy 1,4 tỉ đồng. Trong khi, phim có kinh phí là 25 tỉ đồng và những quảng cáo “hào nhoáng”.

Nhà sản xuất khẳng định thất bại đến từ việc các cụm rạp không xếp cho nhiều suất chiếu, hoặc chỉ dành cho suất chiếu giờ xấu. Sau đó, êkíp đoàn phim đã quyết định rút phim khỏi rạp từ ngày 7.1, chấm dứt “sinh mệnh” của “Võ sinh đại chiến” với thua lỗ và thất bại đau đớn.

Dù không chịu cảnh rút phim khỏi rạp, nhưng “Người cần quên phải nhớ” cũng thất bại nặng nề tại phòng vé khi chỉ thu được 1,9 tỉ đồng. Theo nhà sản xuất Charlie Nguyễn, bộ phim thua lỗ 1 triệu USD. Dù phim được “nhào nặn” bởi 2 đạo diễn có tay nghề là Đức Thịnh và Charlie Nguyễn cùng sự góp mặt của Thái Hòa, Hoàng Yến Chibi; những cái tên đấy, tưởng như là “bảo chứng” cũng không đủ sức cứu vãn bộ phim, khi phim thiếu sức hút và còn nhiều điểm hạn chế, cấu trúc “đầu voi đuôi chuột”, lê thê trong cách kể chuyện...

Charlie Nguyễn - nhà sản xuất “Người cần quên phải nhớ” thẳng thắn thừa nhận thất bại khi cho rằng phim có một kịch bản kém: “Tôi nghĩ một bộ phim thất bại vì câu chuyện chưa chạm tới trái tim khán giả. Nhà làm phim chưa kể một câu chuyện đủ hay”.

“Cậu Vàng” rời rạp, thua lỗ tầm 20 tỉ đồng. Sau nhiều tranh cãi ngay từ đầu, phim ra mắt và nhận nhiều lời chê bai về kịch bản lẫn kỹ thuật. Trên nhiều diễn đàn điện ảnh, khán giả chỉ ra các lỗi sơ đẳng của phim. Phim chuyển thể từ tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao còn bị chê bởi người làm phim cố nhồi nhét nhiều tuyến truyện từ lão Hạc (Viết Liên đóng), chuyện tình mợ Ba (Băng Di), gia đình Bá Kiến (Hữu Châu)... khiến tổng thể tác phẩm chỉ là những mảnh ghép không đầu không cuối. Ngoài ra, phim còn dùng giống chó Nhật thay cho một giống chó thuần Việt nên vấp phải phản ứng dữ dội.

Phim “Sám hối” dù đầu tư đến 50 tỉ đồng nhưng vấp nhiều lời chê bai về nội dung. Tác phẩm lộ lỗ hổng kịch bản với câu chuyện người cha võ sĩ cứu con gái mắc bệnh nan y. Phim chỉ thu về chưa được khoảng 1 tỉ đồng và phải đưa sang Ấn Độ công chiếu để mong cứu lại doanh thu.

“Trạng Tí” được đầu tư đến 43 tỉ đồng và PR mạnh nhưng hiện tại, chính Ngô Thanh Vân cũng đang lo lắng khi phim bị một bộ phận khán giả tẩy chay vì ồn ào bản quyền. Cụ thể, hơn 1 tháng qua, phim bị một nhóm khán giả đòi bỏ xem vì cho rằng êkíp vi phạm quyền tác giả khi làm việc với công ty Phan Thị - chủ sở hữu bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt (kịch bản gốc), thay vì hợp tác với họa sĩ Lê Linh - cha đẻ bộ truyện. Ngô Thanh Vân chia sẻ sự việc khiến cô và êkíp lao đao thời gian qua. Khi thấy trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi không xem phim, cô hoang mang, không biết nên dừng lại hay tiếp tục dự án.

Khán giả không còn bị “thuốc” bởi chiêu trò

Từ khi bùng phát dịch COVID-19, phim Việt thắng lớn chỉ có “Tiệc trăng máu” với 175 tỉ đồng, “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” thu được hơn 100 tỉ đồng, “Gái già lắm chiêu 3” thu hơn 165 tỉ đồng hay doanh thu tạm ổn còn có “Ròm” với 58,1 tỉ đồng. Các năm trước, tỉ lệ phim lọt vào “câu lạc bộ phim trăm tỉ” nhiều hơn và nhiều phim còn lại dù không thắng cũng có doanh thu ngót nghét 40-60 tỉ đồng để ít nhiều hòa vốn, chứ không “ngã ngựa” như vừa qua.

Với bộ phim không thành công, nhiều nhà làm phim cố gắng kêu gọi khán giả đến ủng hộ với lý do “cổ vũ điện ảnh Việt”. Tuy nhiên, điều này lại mang lại cảm xúc tiêu cực, khiến khán giả khó chịu hơn.

Nhìn tới năm 2021, một nỗi lo lớn đặt ra cho các nhà làm phim đó chính là kịch bản. Khán giả không còn dễ dãi như trước và có sự sàng lọc phim rất cao.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định với Báo Lao Động về thị trường phim ảnh 2021: “Khán giả bây giờ họ có nhiều lựa chọn và họ cũng ý thức rõ quyền lực của mình rất lớn nên họ bắt đầu lên tiếng. Khi có những scandal xảy ra thì cộng đồng mạng, khán giả đều nói lên tiếng nói của mình. Tất nhiên, cũng có những lợi dụng từ các đối thủ hoặc những người xây dựng các trang câu người theo dõi sau đó bán lại cho những đơn vị kinh doanh online, nhưng mặt bằng chung thì khán giả bây giờ đã không còn dễ dãi nữa”.

Bàn về câu chuyện chiêu trò và PR để thu hút khán giả quan tâm đến phim như trước đây, Quang Dũng chia sẻ: “Thật ra tôi thấy các scandal tự tạo dựng gần đây thường không hiệu quả và dễ lộ, người ta sẽ biết và không quan tâm hoặc bị phản ứng ngược. Các trường hợp scandal xảy ra thật thì điều quan trọng là cách ứng xử, xử lý khủng hoảng sẽ quyết định cái kết tích cực hay tiêu cực. Quan trọng và bản chất vẫn là thực lực của các nhà làm phim. Điện ảnh Việt 2021 cần rút kinh nghiệm nghiêm túc hơn...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn