MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sẽ xử lý nghiêm phim Việt đem chiếu nước ngoài không phép dù được khen ngợi

Việt Phong LDO | 14/04/2023 15:21

Tại Hội nghị phổ biến, triển khai Luật Điện ảnh số 05/2022/QH của Quốc hội và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP của Chính phủ diễn ra vào 14.4, ông Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt cho biết những phim chưa được cấp phép nhưng đem chiếu ở nước ngoài sẽ bị xử lí nghiêm theo quy định pháp luật.

Hội nghị được tổ chức vào 14.4 do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức với sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Quốc Việt – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cùng đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về điện ảnh trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM chủ trì hội nghị. Ảnh: Việt Phong

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt nêu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc triển khai Luật Điện ảnh số 05/2022/QH do Quốc hội thông qua ngày 15.6.2022 và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Luật mới gồm 8 chương và 50 điều, ít hơn 5 điều so với Luật điện ảnh 2006. Đồng thời, Luật cũng có nhiều sự chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển.

Về từ ngữ, Luật mới đã có những thay đổi, chỉnh sửa và bổ sung thêm nhiều thuật ngữ như: "Phân loại phim", "Phim Việt Nam", "Công nghiệp điện ảnh", "Địa điểm chiếu phim công cộng" hay "Trường quay".

Đặc biệt, khái niệm "phim" cũng được kế thừa, sửa đổi giúp cho việc đánh giá loại sản phẩm được Luật Điện ảnh xác định là phim và không được xác định là phim.

Luật mới cũng đưa ra những quy định chi tiết, cụ thể về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, qua đó tạo cơ sở, hành lang cho việc tuân thủ Luật.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, dù không phải là nội dung mới so với Luật năm 2006, tuy nhiên Luật sửa đổi đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích, nguyên tắc hoạt động và địa vị pháp lý của Quỹ.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu thảo luận tập trung vào các nội dung: Kiểm soát phim được chiếu bởi các đơn vị trong và ngoài nước; Phát hành phim; Điều kiện thực hiện phân loại phim, phổ biến phim trên không gian mạng; vấn đề nhập khẩu và kiểm duyệt phim; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...

Đại diện Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh tỏ ra quan ngại khi một số cơ quan ngoại giao tổ chức chiếu phim không xin phép chứa nội dung gây ảnh hưởng đến Việt Nam.

Giải đáp vấn đề này, ông Việt cho biết Luật Điện ảnh 2022 quy định rõ những nội dung làm tổn hại đến lợi ích quốc gia sẽ bị kiến nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh cũng phối hợp với nhiều Bộ, ban ngành để thẩm định, phân loại phim của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Đỗ Quốc Việt giải đáp thắc mắc của đại biểu. Ảnh: Việt Phong

Về vấn đề khó khăn khi phát hành phim độc lập, ông Đỗ Quốc Việt khẳng định, khi nhà sản xuất đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì chẳng có trở ngại nào. 

"Có những phim vi phạm pháp luật tại Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại được chào đón. Ví dụ như phim "Vị". Ở Việt Nam, phim "Vị" vi phạm pháp luật, không phù hợp thuần phong mĩ tục, nhưng lại được đem ra nước ngoài, được cổ xúy ở môi trường này môi trường kia.

Đó là những phim không thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam ngay từ đầu. Pháp luật quy định những phim đem ra nước ngoài phải có giấy phép phổ biến", ông cho biết thêm.

Theo điều 32 Luật sửa đổi, những bộ phim có nội dung vi phạm pháp luật tương tự sẽ được sắp xếp vào loại C (không được phép phổ biến).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn