MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trong vở diễn Bến nước thời gian của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Nhà hát cung cấp

Số phận bi kịch của người phụ nữ thời chiến

Thu Hương LDO | 23/10/2023 09:04

Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ lý do anh dựng vở “Bến nước thời gian” bởi muốn kể câu chuyện về số phận phụ nữ khi chiến tranh đi qua. “Chúng ta may mắn được sống trong thời bình đã nhiều thập kỷ, nhưng trên thế giới, ở ngoài kia, vẫn còn bao chiến sự” - NSƯT Sĩ Tiến nói.

“Bến nước thời gian” là vở diễn xoay quanh số phận những người lính như Lãng (Anh Tú) trải qua đạn bom, tưởng như được hạnh phúc khi trở về làng, nhưng lại phải đối diện với một bi kịch khác, thảm khốc và đau đớn hơn.

Lãng mang trong mình chất độc da cam quái ác nhưng, do sự hạn hẹp của làng quê, do hủ tục và những định kiến khắc nghiệt, mọi bất hạnh và điều tiếng đều đổ lên Sao (Lương Thu Trang) - vợ Lãng.

Sao vốn nổi tiếng là cô gái xinh đẹp, nết na nhất làng. Cưới chồng được 2 ngày, Lãng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, tham gia chiến đấu. Biền biệt trong nhiều năm xa chồng, Sao được đàn ông trong làng săn đón, trong đó có Tào (Thanh Sơn). Tào yêu Sao, không ngần ngại theo đuổi cô, bày tỏ tình yêu mãnh liệt, nhưng Sao luôn từ chối.

Sự theo đuổi quyết liệt của Tào vẫn khiến Sao bị điều tiếng, dư luận. Cho đến khi chồng trở về, thời gian xóa lành những nứt vỡ, nghi ngại, hạnh phúc của vợ chồng họ tưởng như được đơm hoa kết trái. Nhưng hết lần này đến lần khác, những đứa con không thành hình người, đã hủy diệt tất cả, dồn Sao và Lãnh vào tận cùng đau đớn.

Trước câu hỏi, vì sao vẫn nặng lòng với đề tài chiến tranh, về số phận con người phía sau một cuộc chiến, đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến cho biết: “Chúng ta may mắn được sống trong hòa bình nhiều thập kỷ nay, nhưng tàn dư chiến tranh vẫn còn đâu đó, trong những phận người. Tôi muốn phác họa hình ảnh người phụ nữ - những người không có huân chương, không được vinh danh sau mỗi cuộc chiến, nhưng đã âm thầm hy sinh, gánh chịu mọi nỗi đau.

Ở ngoài kia, trên thế giới, nhiều cuộc chiến vẫn đang diễn ra. Số phận những người lính và cả những người phụ nữ của họ đều đau đớn và không biết, ai mới là người phải đau đớn nhiều hơn”.

Trên sân khấu và trong điện ảnh, số phận người phụ nữ từng được khắc họa rõ nét trong nhiều tác phẩm. Từ “Bão tố Trường Sơn”, “Điều còn lại” đến “Bến nước thời gian” - là những vở diễn chạm đến rung cảm sâu sắc về nhân tâm của mỗi người khi đối diện với sự bất hạnh của phụ nữ đi qua cuộc chiến.

Họ - những phụ nữ như Sao - không chỉ đối diện với sự cô đơn cùng cực, với hậu quả nặng nề từ chiến tranh, còn phải đối diện với điều tiếng, với sự hà khắc của dư luận, của định kiến, của tục lệ ngặt nghèo.

Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến nói: “Tôi dàn dựng vở diễn Bến nước thời gian với sự ẩn dụ về sự xoay vòng của thời gian. Năm tháng trôi qua, bến nước tĩnh lặng, đứng im nhưng chứng kiến biết bao mảnh đời phụ nữ bất hạnh, đó là mẹ chồng Sao, là Sao và biết bao cô gái trong làng phải cô đơn, đợi chờ, kìm nén nhu cầu được hạnh phúc. Rất nhiều người trong số họ không dám đi tìm hạnh phúc mới, ngay cả khi chồng đã hy sinh ngoài chiến trận.

Cũng có cả những người phụ nữ, khi không sinh con được vẹn nguyên hình hài đã tự nghĩ đó là lỗi của họ. Cô ấy chấp nhận để chồng đi lấy người khác, sinh con cho vẹn tròn, báo hiếu tổ tông... Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi cuộc chiến, chúng ta luôn nhìn thấy sự chịu đựng, sẵn sàng hy sinh, nhường nhịn tất cả, tự ôm nỗi đau riêng mình của những người phụ nữ”.

Trong mỗi người phụ nữ cũng có cuộc chiến riêng của họ, cuộc chiến giằng xé giữa trách nhiệm, nghĩa vụ, giữa định kiến hủ tục và khát vọng sống. Trong hầu hết những cuộc chiến ấy, phụ nữ luôn để khát vọng sống cho riêng mình - thua cuộc. Bởi, phụ nữ luôn để tình yêu dẫn đường. Tình yêu, sự thủy chung và lòng cao thượng cũng chính là sức mạnh của phụ nữ, giúp họ đi qua mọi cuộc chiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn