MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Số phận khác biệt của áo dài nữ và áo dài nam khi đề xuất là quốc phục

Mi Lan LDO | 18/08/2022 13:56
Áo dài từng được đề xuất là quốc phục, lễ phục nhà nước, tuy nhiên sau những tranh cãi, đến nay đề án quốc phục vẫn bỏ ngỏ.

Thân phận khác biệt của áo dài nam - nữ

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từng làm Đề án Quốc phục, đến năm 2012 đề án này đổi thành Đề án Lễ phục Nhà nước để tìm kiếm bộ trang phục dành cho công chức, viên chức nhà nước mặc thực hiện các nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ ngoại giao. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ văn bản chính thức nào được thông báo về lễ phục hay quốc phục.

Khi đề xuất áo dài (cho cả nam, nữ) trở thành lễ phục nhà nước, nếu áo dài nữ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành thì áo dài nam lại vướng vào nhiều tranh cãi, phản ứng.

Nhìn lại hành trình phát triển của áo dài cũng cho thấy, áo dài nữ thuận lợi, được tung hô, yêu mến. Trong lịch sử, áo dài cho nam xuất hiện trước, áo dài nữ xuất hiện sau. Trên hành trình phát triển rực rỡ của mình, áo dài nữ (từ chiếc áo ngũ thân truyền thống) đã nhiều lần trải qua các cuộc cách mạng cách tân, và đều được đón nhận.

Theo đó, những năm 1930 của thế kỷ XX, họa sỹ Cát Tường đã khởi xướng cách tân áo dài nữ. Sự thay đổi này phù hợp với phong trào Âu hóa cũng như phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ. Những kiểu áo dài mới là hình ảnh của việc giải phóng phụ nữ khỏi lễ giáo của chế độ phong kiến và đạo Nho.

Trong khi áo dài nữ luôn được ủng hộ, yêu thích suốt hành trình lịch sử, cách tân....
... áo dài nam lại luôn bị phản ứng, gây tranh cãi. Ảnh: NĐB

Trao đổi với phóng viên Lao Động, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng: “Trước đây, vẻ đẹp người phụ nữ kín đáo nhẹ nhàng, ý nhị trong tà áo dài ngũ thân thì nay vẻ đẹp ấy được bộc lộ cởi mở, mạnh bạo hơn như cổ mở rộng, tay ngắn, vạt áo hẹp ôm sát ngực và thân. Sự cải tiến, thay đổi áo dài nữ từ thập niên 30 đến ngày nay vẫn không ngừng nghỉ. Nhiều nhà thiết kế sáng tạo ra hàng loạt mẫu áo dài có bước cải tiến táo bạo. Song song với sự cải cách, cách tân thì việc bảo tồn dài nữ vẫn đang được thực hiện”.

Trong khi đó, áo dài nam có số phận thăng trầm hơn hẳn. Qua hình ảnh do người Pháp ghi lại giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống thường nhật, lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo dài ngũ thân. Tuy vậy, do ảnh hưởng văn minh phương Tây, phong trào Âu hóa, dần dần trang phục áo dài của đàn ông Việt thay đổi, mờ nhạt trong đời sống.

Chưa kể, áo dài nam còn bị gắn với nhiều định kiến. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình: “Sân khấu cuối những năm 1950 luôn để nhân vật phản diện như lý trưởng, hương lão, thầy cúng, thầy bói, phú ông, qua tham… mặc áo dài, điều này ăn sâu vào định kiến về áo dài của nhiều khán giả”. Áo dài nam trở thành biểu tượng cho chế độ phong kiến cổ hủ, lạc hậu.

"Muốn mặc đẹp phải mặc đúng"

Trong thời gian dài, người ta ít nhắc về lịch sử của áo dài nam. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, “Cùng với nhiều biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam, do tác động kinh tế, sự đứt gãy về văn hóa cũng như thiếu hụt về giáo dục thẩm mỹ, áo dài nam đã bị biến đổi rất nhiều. Và tiếc rằng, sự biến đổi của áo dài nam ngày càng xa rời bản sắc văn hóa Việt, nhưng vẫn được mang tên áo dài truyền thống”.

Cách may, mặc áo dài ngũ thân truyền thống dành cho nam ngày càng bị biến đổi, bị sân khấu hóa, không còn giữ được nét văn hóa truyền thống chuẩn mực. Ảnh: FBNV

Cách may áo dài nam, cách mặc áo dài nam cũng ngày càng khác, do chịu ảnh hưởng từ sân khấu. Theo đó, chiếc áo dài nam ngày càng được may sai cách, lòe loẹt hơn. “Nhiều người đội khăn cùng màu với áo, điều này hoàn toàn sai lệch. Nhiều người mặc áo dài nhưng không đi đứng, thực hiện nghi lễ phù hợp với áo dài. Những người phản ứng về áo dài nam, thường không hiểu gì về áo dài” – họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói.

Trả lời phóng viên Lao Động, nhà thiết kế Minh Hạnh khẳng định, muốn mặc đẹp áo dài phải hiểu về lịch sử, ý nghĩa của áo dài.

“ Muốn mặc đẹp phải mặc đúng. Sự cách tân phải dựa trên tính thẩm mỹ thời đại. Đừng nghĩ có nhiều tiền mới có được chiếc áo đẹp, đừng nghĩ sự cầu kỳ mới có được phong cách. Thận trọng khi khoác lên người một chiếc áo truyền thống, đàn ông thì phải ra đàn ông đúng nghĩa. Xây dựng hình tượng của một người đàn ông có khí phách và nghĩa khí, không cần đẹp một cách trau chuốt bóng bẩy, cần thêm một chút xù xì tri thức” – NTK Minh Hạnh đưa quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn