MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh minh họa: Thùy Anh

Số phận người phụ nữ thoát ly ruộng đất để trở thành công nhân nông trường

Chí Long LDO | 02/12/2023 06:45

Tiểu thuyết "Gái nông trường" của tác giả Phạm Đức Long vừa xuất sắc đạt giải Ba Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Nội dung tác phẩm "Gái nông trường" xoay quanh Dần - cô gái nông thôn rời quê đi nông trường phía Bắc, sau đó lại tăng cường vào Nam. Thoát ly quê nhà, làm công nhân nông trường, Dần không phải dầm bùn lội ruộng nhưng vẫn làm nông, là trồng cây nông nghiệp dài ngày trên đất cạn như cà phê, cao su, cam…

Thoát ly làng quê, thanh niên, nhất là nữ thanh niên, đồng thời cũng thoát ly khỏi nề nếp gia phong, khỏi ràng buộc của “đất lề quê thói”. Họ tự do phóng túng, ăn nói bạo dạn, không cần kiêng nể dè dặt, thậm chí có người trở nên chanh chua đanh đá.

Tác giả Phạm Đức Long (ngoài cùng, phải) đoạt giải Ba Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Xuyên suốt tác phẩm, nhân vật Dần vượt qua không ít khó khăn, làm đủ thứ nghề để vươn lên trong cuộc sống. Nhưng rồi, Dần cũng bị cuốn vào danh vọng, lạm dụng chức quyền. Bộ mặt của nông thôn thời kỳ đổi mới, những tấm gương người tốt, việc tốt vươn lên, đối lập với sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, công nhân tại nông trường cứ thế được phơi bày.

Là người con sinh ra ở nhà nông, tác giả Phạm Đức Long tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp và trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Cả đời ông gắn bó với cuộc sống miền quê, am hiểu sâu sắc về văn hóa, con người nông thôn tại quê nhà.

Tác giả cho biết, trong thời gian công tác, ông đã ấp ủ sử dụng vốn kiến thức tích lũy của mình để tạo nên một tác phẩm tiểu thuyết đề tài nông trường gắn với công nhân, công đoàn. Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu cách đây 2 năm, ông mới có thời gian rảnh rỗi để bắt tay vào thực hiện.

Ông chia sẻ: "Qua tác phẩm của mình, tôi muốn truyền tải hình ảnh văn hóa, tính cách con người, đặc biệt là người phụ nữ. Vì đi vào nông trường nhiễu loạn, có người trong số họ trở nên mất đi lề thói, rơi vào con đường tha hóa.

Trong khi đó, không thể phủ nhận được vai trò và lợi ích to lớn của các nông trường sau thời kỳ chống Pháp. Nhưng thời gian dễ khiến các bộ máy hoạt động xảy ra vấn đề, cần có biện pháp điều chỉnh, cải tổ để tốt hơn".

Chân dung tác giả Phạm Đức Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mặc dù viết tiểu thuyết dựa trên những trải nghiệm thật về cuộc sống ở thôn quê, với vốn am hiểu về người nông dân sâu sắc, tác giả Phạm Đức Long lựa chọn 100% nhân vật hư cấu. Tuy nhiên từ đó, khán giả vẫn có thể hình dung được những mảnh đời, số phận hết sức chân thật lúc bấy giờ, mang đến cảm giác hoài niệm cho nhiều người đọc.

Nói đến chi tiết khiến mình tâm đắc nhất trong tác phẩm, tác giả liên tưởng đến nhiều phân đoạn trong cuộc đời của nhân vật chính Dần. Trong đó, có chi tiết khiến ông hào hứng: "Ở đầu tác phẩm có chi tiết người vùng cao mê tín, họ tin rằng, có loại bùa yêu từ con cuốc rũ, nhưng chỉ có hạn ngần ấy năm thôi. Chị này sau khi vào chùa nghe tiếng mõ thì cứ ngỡ con cuốc kêu và chị cứ mất trí đi lang thang. Cuối cùng, chị lăn xuống miệng núi lửa chết, vẫn nắm chặt con cuốc rũ trong tay".

Ngoài ra, ông còn ấn tượng với hình ảnh nhân vật nữ mang bầu vọt qua bờ rào dây kẽm gai, bị ngã và té xỉu. Đến sáng tỉnh dậy, chị ta thấy mình đã đẻ xong rồi. "Những người phụ nữ này ghê gớm nhưng vất vả lắm, do thời cuộc tạo cho người ta nhiều truân chuyên" - tác giả nhận xét.

Nhận được kết quả giải Ba tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, tác giả Đức Long không giấu nổi niềm vui và tự hào. "Tôi là dân kỹ sư nông nghiệp, chẳng qua mê văn hóa trong nông thôn, nông nghiệp, cộng với vốn sống có sẵn để viết nên tác phẩm. Được ban giám khảo và giới chuyên môn đánh giá như vậy, tôi cũng mừng và tâm phục" - ông bộc bạch.

Tác giả Đức Long cho biết, ông cũng đang ấp ủ một số đề tài xoay quanh đời sống người dân, lao động trong xã hội mới. Ông hy vọng những đứa con tinh thần của mình sẽ tiếp tục được độc giả và công chúng quan tâm, đón nhận.

 
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn