MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các truyện ngắn đã được đăng tải trên Lao Động.

Sự cấp thiết mang tính thời đại của văn học viết về công nhân

Mi Lan LDO | 22/09/2023 07:22

Tại các buổi sơ khảo, chung khảo Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn, người lao động do Tổng LĐLĐVN phát động, Báo Lao Động chủ trì, các nhà văn đánh giá cuộc thi rất thành công, đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết.

Theo đó, nhà văn Võ Thị Xuân Hà khẳng định, “Cuộc thi viết về công nhân, công đoàn và người lao động lần này đã chứng tỏ được sức hút khi có số lượng lớn tác phẩm tham gia dự thi, hơn 400 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết. Cá nhân tôi đánh giá cao chất lượng các tiểu thuyết tham dự, nhiều tác phẩm chứa đựng khối lượng đồ sộ thông tin, sự nghiên cứu, tìm tòi các giai đoạn lịch sử khác nhau, từ đó làm nổi bật lên hình ảnh người công nhân trong biến động thời cuộc... Tôi thích nhiều tác phẩm và ấn tượng với câu chuyện, số phận của người lao động, công nhân được tái hiện, xây dựng đầy sáng tạo. Tôi cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam và Báo Lao Động đã có một mùa giải thưởng văn học thành công”.

Cùng quan điểm với nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Y Ban cũng đánh giá cao mùa giải viết văn về công nhân, công đoàn lần này, nhà văn Y Ban cho rằng, cuộc thi đã thu hút lực lượng sáng tạo đến từ nhiều ngành nghề, thuộc nhiều lĩnh vực trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trong hơn 400 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết, độc giả bắt gặp hình ảnh người công nhân đa dạng, phong phú với nhiều góc nhìn, ở nhiều môi trường sống và làm việc khác nhau, họ có thể là người công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, những công nhân đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tỉnh Bình Dương, đó có thể là những người công nhân đang sống trên những nông trường caosu ở Tây Nguyên, đó là những công nhân vùng mỏ (tỉnh Quảng Ninh)...

Nhà văn Sương Nguyệt Minh khẳng định, anh đã nhìn thấy tầm vóc của người công nhân, vai trò của họ trong công cuộc xây dựng đất nước trải qua thăng trầm lịch sử. Tuy nhiên, theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, khi thế giới đã bước vào nền công nghiệp 4.0, công nghệ phát triển như vũ bão, hình ảnh người công nhân đã có những thay đổi chưa từng có; tính cấp thiết đặt ra với văn học hiện nay, là phản ánh hình ảnh, cuộc sống của người công nhân trong thế hệ công nghệ mới, thời đại mới.

Từng theo sát nhiều mùa phát động các cuộc thi viết văn về hình ảnh, cuộc sống người công nhân, người lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá cao vai trò, tính cấp thiết của những cuộc thi này.

“Người công nhân xứng đáng đứng ở vị trí trung tâm trong các tác phẩm văn học lấy đề tài về công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước qua từng chặng đường lịch sử. Chúng ta rất cần những cuộc phát động sáng tác như thế. Ở mỗi nhà máy, xí nghiệp, công trường đi qua, đều ngồn ngộn chất liệu đời sống. Sứ mệnh, vai trò của người công nhân, người lao động và vai trò của công đoàn ở mỗi thời đại, mỗi khác và yêu cầu đặt ra với các nhà văn - những thư ký của thời đại - phải theo sát và phản ánh được tầm vóc thời đại của công nhân, công đoàn khi kinh tế đất nước biến động không ngừng” - nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, tất cả thể loại văn học từ thơ ca, truyện ngắn đến tiểu thuyết phải vào cuộc quyết liệt. Viết về công nhân, công đoàn, người lao động trở thành trách nhiệm của các nhà văn qua từng thời kỳ.

Văn học công nhân từng có thời kỳ rất huy hoàng với các tác giả như Lý Biên Cương, Nguyễn Sơn Hà, Tô Ngọc Hiến… Thời ấy độc giả cả nước nức lòng đọc: Đêm ấy vùng than ai thức, Người kiểm tu, Gió tươi, Lặng lẽ Sa Pa… Hình ảnh người công nhân trong chiến đấu, lao động thời chiến, hình ảnh họ trên những công trường khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới... đã có sự thay đổi rõ nét.

Kinh tế càng phát triển, người công nhân càng giữ vai trò, tầm vóc lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Viết về hình ảnh, cuộc sống người công nhân không chỉ cần đến kỹ năng viết, cần đến sự sâu sát, kinh nghiệm, thực tế sống, còn cần đến sự rung cảm mãnh liệt dành cho những phận đời, phận người trên các công trường, công xưởng.

Theo tác giả Hoàng Việt Hằng - người từng 2 lần đoạt giải thưởng tại các cuộc vận động viết về người công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức (với các tác phẩm Những dấu lặng, Xóa đi và không xóa), viết về công nhân với bà là sự thấu cảm đến đau đớn.

“Họ là những phận người thuộc phe nước mắt, rung cảm với cuộc sống, công việc, sự vất vả gian nan của họ là điều quan trọng nhất, phải có chất liệu chân thực từ cuộc đời, văn chương mới có thể chạm đến trái tim người đọc” - tác giả Hoàng Việt Hằng nói.

“Hằng năm, Hội Nhà văn Việt Nam đều cử các đoàn đi thực tế về địa phương, đến với các công ty, nhà máy, công trường, nông trường để sống cùng công nhân, chung hơi thở, chung nhịp đập, chung trong bầu không khí sản xuất của họ để sáng tác. Nhà văn chúng tôi luôn nỗ lực, viết bằng sức rung động về đời sống công nhân, chúng tôi phấn đấu để có những tác phẩm tương xứng với quá trình đổi mới của đất nước” - nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn