MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thời xưa mua tranh Tết. Ảnh: Trịnh Lữ

Sự dịch chuyển từ chợ Tết xưa đến văn hóa online

Huyền Chi LDO | 01/02/2024 13:30

Theo dòng chảy phát triển của xã hội, Tết xưa với chợ quê, tục lệ cổ truyền đã có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu của con người trong cuộc sống hiện đại.

Từ đi chợ Tết gần nhà...

Tết là khát khao gắn bó, sum vầy và mong đợi khoảnh khắc của sự chuyển mùa. Những nét văn hóa phong tục ngày Tết từng đi vào thơ văn, vẽ nên một hình hài Tết Nguyên đán vừa tự sự vừa trữ tình, vừa lãng mạn vừa thổn thức. Bởi thế, Tết bao giờ cũng mang lại cảm xúc lắng đọng, bồi hồi và thật nhiều rung cảm.

Trong truyện ngắn “Cô hàng xóm” của Thạch Lam, ta thấy đường phố nhộn nhịp, đầy âm thanh và màu sắc vào những ngày Tết xưa: “Các thiếu nữ trong ngày sắm Tết có rất nhiều vẻ đáng yêu. Đi đâu mà vội vàng thế? Về chậm sợ mẹ mắng hay sao? Áo quần không kịp trang điểm, mái tóc không kịp vuốt ve, cho nên có một vẻ lơ đễnh, một vẻ xuềnh xoàng khả ái! Giờ này là giờ các cô đảm đang, đi mua đi bán, đem cái vui vẻ cho em trai và mẹ già, các cô hết lòng lắm. Chen lấn vào đám đông, không sợ bị chèn ép xô đẩy. Đi guốc cao cho khỏi lấm gấu quần. Và nhất là tự nhiên và dung dị”.

Những thần sắc của Tết làng quê Việt Nam qua con mắt của Đoàn Văn Cừ cũng được khắc họa nên thơ, rực rỡ trong các vần thơ: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”.

Thơ về ngày Tết của Đoàn Văn Cừ gợi nhớ những ngày thơ ấu còn bám áo mẹ theo đi cả buổi chợ Xuân để vòi vĩnh hết cái này đến cái khác, những con đường làng dẫn đến chợ Tết luôn nườm nượp người qua lại, hay chỉ đơn giản là ý vị Xuân thấm đượm trong con người và cảnh vật.

Thế nên nếu Tết mà phải xa nhau, phải ly biệt thì đó chắc chắn sẽ trở thành nỗi buồn day dứt khôn nguôi trong lòng người: “Năm ngoái Tết rồi/ Năm nay lại Tết/ Ai đi biền biệt/ Hai Tết rồi đây/ Buồng hương lẳng lặng/ Then chẳng thiết cài/ Còn đợi chờ ai/ Biết bao Tết nữa” (“Tết” - Nguyễn Bính).

... đến sắm Tết tại gia

Qua thời gian, hương vị Tết cổ truyền được truyền lưu qua các thế hệ đã phần nào đổi khác. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tác động và làm xoay chuyển lối sống, thói quen sinh hoạt của nhiều người, vốn xuất thân từ làng quê ruộng đồng.

Nhịp điệu cuộc sống thời nay cũng gấp gáp, dồn dập. Không còn những tà áo dài, đôi guốc cao ở các khu chợ truyền thống, thay vào đó là hệ thống siêu thị hiện đại, khang trang. Không còn cảnh chen lấn, đông đúc đi sắm Tết, thay vào đó là sự nở rộ của sàn thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng “hỏa tốc” của các siêu thị, tạp hóa lớn nhỏ.

Trên các ứng dụng đặt xe, giờ đã tích hợp cả dịch vụ hẹn giờ, đi chợ hộ. Chỉ cần lựa chọn một siêu thị ở gần, chọn những mặt hàng cần mua, sẽ có một người thay thế công việc xếp hàng, thanh toán, xách đồ rồi giao đến đúng giờ hẹn. Không quá lời khi nói con người có thể mua mọi thứ online (qua mạng), từ cây cảnh, đồ dùng thiết yếu, đồ ăn đến cả... mâm cỗ cúng.

Giờ đây, chúc Tết, lì xì qua điện thoại trở thành phổ biến. Trong thế giới phẳng, mạng xã hội kết nối con người, giúp tiết kiệm thời gian liên lạc, di chuyển, giao lưu.

Bằng cách đó, Tết có thể đến với mọi nhà, từ những gia đình có 5 người nhưng 4 người đi làm đến 28 Tết, những cặp đôi mới cưới ở riêng, đến những gia đình chỉ đơn giản là “ngại” ra đường đông đúc dịp cuối năm. Mỗi người đón Tết với tâm thế khác nhau. Người thì đến với Tết bằng đoàn tụ sum vầy, người thì đến với Tết bằng lạc quan hy vọng, người thì đến với Tết bởi những khắc khoải nhớ thương…

Suy cho cùng, cái tình của con người với Tết, với quê hương, với gia đình luôn là một điều chân thành, và sắm Tết online chẳng qua cũng chỉ là một phương pháp tinh gọn để mỗi người có thêm thời gian quây quần bên gia đình, chăm sóc những người yêu thương và bản thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn