MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quan Tượng Đài trong Kinh thành Huế. Ảnh: Nguyên Phong

Sử dụng cơ quan khí tượng thuỷ văn thời nhà Nguyễn để dự báo thời tiết

Hoàng Văn Minh LDO | 16/10/2021 20:23

Quan Tượng Đài – cơ quan khí tượng thuỷ văn thời nhà Nguyễn vừa được trùng tu có tên trong bản tin cập nhật về lượng mưa của Thừa Thiên Huế.

Bản tin cập nhật về mưa lớn trên diện rộng của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 16.10 đại ý: Trong 12h qua tại Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to và rải rác có giông…

Trong đó lượng mưa đo được ở các trạm quan trắc trên địa bàn, ngoài Tà Lương, Bình Điền, Kim Long… còn có một cái tên rất lạ là “Quan Tượng Đài”.

Vậy Quan Tượng Đài là gì?

Quan Tượng Đài trong Kinh thành Huế sau khi trùng tu. Ảnh: Từ Ân

Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, công trình Quan Tượng Đài được xây dựng năm 1827 dưới triều vua Minh Mạng, nằm ở thượng thành (mặt trên thành), góc Tây nam Kinh thành, thuộc phạm vi pháo đài Nam Minh (hiện thuộc địa phận phường Thuận Hòa, thành phố Huế).

Công trình có 2 phần chính: Phần nền đài và kiến trúc bên trên có tên là đình Bát Phong. Chức năng quan trọng nhất của Quan Tượng Đài là nơi để các nhà chiêm tinh của cơ quan Khâm Thiên Giám dùng kính thiên văn quan sát mặt trời, trăng và các ngôi sao nhằm xác định tọa độ địa lý của các tỉnh, thành, vùng miền trên đất nước.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, có một chi tiết rất thú vị liên quan đến Quan Tượng Đài và Khâm Thiên Giám là "năm 1837, thấy các quan tính toán thiếu chính xác về tọa độ địa lý của kinh đô, vua Minh Mạng đã dùng phương pháp mới của phương Tây để tính và xác định điểm giữa kinh thành Huế là 16 độ, 22 phút, 30 giây vĩ bắc và 105 độ kinh đông".

Đây là công trình dạng đài thiên văn thứ hai trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam, và là công trình duy nhất còn lại dấu tích.

Trước đó, ở Kinh đô Thăng Long, thời Lê (1428 - 1788) đã có một đài thiên văn và cơ quan Khâm Thiên Giám nhưng đã mất hoàn toàn dấu vết, chỉ còn để lại một tên phố “Khâm Thiên” (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).

Cho tới những năm 1960, Quan Tượng Đài ở Kinh thành Huế vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Nhưng sau đó, vì không hoạt động và cũng không được bảo tồn, trùng tu nên Quan Tượng Đài xuống cấp, đình Bát Phong bị hư hại, sụp đổ. Và công trình này được trùng tu lại vào năm 2013.

Mới đây, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ở Quan Tượng Đài một trạm đo mưa cùng hệ thống thiết bị đo mưa tự động.

Hệ thống đo mưa tự động trong Quan Tượng Đài. Ảnh: Từ Ân

Toàn bộ hệ thống do Công ty cổ phần Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (Watec) tài trợ. Hệ thống này tự động đo lượng mưa tức thời cùng 2 camera giám sát và cập nhật thông tin ứng dụng đô thị thông minh Hue-S.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, sự có mặt của Quan Tượng Đài trong bản tin thời tiết địa phương là rất có ý nghĩa.

“Quan Tượng Đại là cơ quan khí tượng thủy văn cổ thời quân chủ duy nhất mà ta còn bảo tồn, phục hồi được. Việc chúng ta tiếp tục đặt thiết bị quan trắc lượng mưa ở đây chính là sự tiếp nối ông cha ta làm công việc dự báo khí tượng thủy văn. Sự tiếp nối này rất có ý nghĩa vì chúng ta không loại bỏ quá khứ mà vẫn kế thừa những giá trị truyền thống hay, đẹp”, ông Hải nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn