MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sự nghiệp của Cục trưởng được phong tặng danh hiệu NSND

Bình An LDO | 06/03/2024 07:16

Trong danh sách những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND lần này có Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Trần Ly Ly.

NSƯT Trần Ly Ly xuất thân từ nghề múa, nổi danh với vai trò biên đạo trong nhiều vở múa kinh điển được đưa về Việt Nam dàn dựng như Hồ Thiên Nga, Những người khốn khổ, Người tạc tượng...

NSƯT Trần Ly Ly sinh năm 1978 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ nữ nghệ sĩ là diễn viên múa ballet. Trần Ly Ly bắt đầu học múa chuyên nghiệp khi mới 10 tuổi và giành nhiểu giải thưởng tài năng múa trẻ toàn quốc vào các năm 1992, 1994.

Sau khi đỗ thủ khoa của Khoa Sáng tác Múa, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chị nhận được học bổng du học tại Đại học Công nghệ Queensland (Úc).

Sau 7 năm học tập và làm việc tại Úc, Pháp, năm 2003, mặc dù có nhiều lời mời làm việc tại nước ngoài nhưng NSƯT Trần Ly Ly vẫn quyết định về nước làm việc. Chị từng giữ vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh trước khi ra Hà Nội nhận vị trí giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB).

NSƯT Trần Ly Ly mang đến hơi thở, sức sống mới cho ngành múa, đặc biệt chị có công lớn trong việc dàn dựng, đưa những vở ballet kinh điển đến gần hơn với công chúng, khán giả Việt Nam.

Năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã công diễn loạt tác phẩm kinh điển: Người tạc tượng, Hồ Thiên Nga... Trong đó, Hồ Thiên Nga lập kỷ lục về số đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội và tạo "cơn sốt vé".

Trong cuộc trò chuyện với báo Lao Động, NSƯT từng bày tỏ những trăn trở khi ngành múa vẫn chưa có được vị thế xứng đáng. Theo Trần Ly Ly, chị luôn mong muốn nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật múa, các vở ballet đến được với đông đảo công chúng.

Trước khi giữ Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nghệ sĩ Trần Ly Ly đã có thời gian dài gắn bó với nghệ thuật múa. Ảnh: Facebook nhân vật

“Nghệ thuật không chỉ dừng lại ở tính giải trí đơn thuần, nghệ thuật cần đi xa hơn thế. Nghệ thuật phải định hướng được cảm xúc, mang tính thẩm mỹ cao, đem đến vẻ đẹp, sự nhân văn cho người xem. Để khi xem xong một tác phẩm nghệ thuật, người ta thấy cuộc sống tươi đẹp hơn, yêu đời hơn, yêu người hơn. Nghệ thuật phải là liều thuốc cho tâm hồn khi chúng ta mệt mỏi, mất niềm tin vào cuộc sống” - Trần Ly Ly nói khi nhắc đến tâm huyết chị dành cho múa.

Vở "Hồ Thiên Nga" từng thu hút 6.000 khán giả được đánh giá là một kỳ tích, một con số đáng kinh ngạc với múa.

Sau này, Trần Ly Ly tiếp tục dàn dựng Những người khốn khổ và mang các vở múa đi biểu diễn ở nhiều tỉnh thành, nỗ lực đưa múa trở thành nghệ thuật gần gũi với công chúng Việt Nam.

“Múa còn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có sự thiếu thốn về tài năng, nhân lực, những nghệ sĩ có thể vượt qua khó khăn vật chất để đi đến cùng với múa. Hiện, nghệ sĩ múa chỉ hưởng lương như viên chức nhà nước, thu nhập ít ỏi. Dù để theo được ngành múa, chúng tôi phải học từ khi 10 tuổi. Nghề múa thách thức sự yêu nghề, kiên nhẫn rất lớn. Khi học múa, tập múa khổ luyện nhưng thu nhập, chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng” - NSƯT Trần Ly Ly gửi gắm nhiều trăn trở.

Tháng 2.2022, NSƯT được bổ nhiệm giữ Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Chị là nữ lãnh đạo đầu tiên của Cục này.

Trước đó, vào năm 2020, khi là Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, chị cũng là lãnh đạo nữ đầu tiên trong lịch sử 60 năm của nhà hát này.

NSƯT Trần Ly Ly có tên trong danh sách những nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND sáng nay, 6.3, tại nhà hát Lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn