MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sự “nổi loạn” của nữ đạo diễn trẻ

VIỆT VĂN LDO | 24/02/2018 07:55
Chính thức khởi chiếu tại các rạp ở Việt Nam từ 23.2 nhưng từ trước đó, bộ phim “Lady Bird: Tuổi nổi loạn” đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các fan điện ảnh và giới phê bình phim. 

Bộ phim giành cú đúp ngoạn mục ở 2 hạng mục quan trọng của thể loại hài hước/ca vũ nhạc là Phim điện ảnh xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - Saoirse Ronan tại lễ trao Giải Quả cầu Vàng, nhận 5 đề cử giải Oscar sắp tới…

Như là tự sự

Bộ phim kể về lứa tuổi mới lớn ẩm ương của cô nàng ngổ ngáo tự đặt tên cho mình là Lady Bird đến từ Sacramento, một vùng quê bình yên miền Đông nước Mỹ, với bối cảnh thời gian ngược trở về năm 2002 ít biến động và xáo trộn để kể câu chuyện của mình. Xoay quanh Christine McPherson (Saoirse Ronan), phim là câu chuyện về cuộc sống ở tuổi mới lớn với nhiều thay đổi về mặt tính cách và suy nghĩ của cô gái trẻ, những niềm trăn trở và những câu nói chưa thành lời...

Vì sao lại là năm 2002? Vì nữ đạo diễn Greta Gerwig cho rằng sự xuất hiện của những chiếc điện thoại thông minh trong phim là điều không cần thiết. “Tuổi nổi loạn” hiện lên như những thước phim cũ nhắc lại về ký ức tuổi thơ của mỗi người, thời kỳ mà chỉ có những buổi hẹn hò, trò chuyện “face to face” (mặt đối mặt) chứ không phải như những câu nhắn tin trên màn hình với vẻ ngoài lạnh lùng và vô cảm. Nhưng sâu xa bên trong lại là một lý do khác:

“Tôi mong muốn làm một bộ phim lấy bối cảnh sau khi sự kiện 11.9 xảy ra. Tôi cho rằng thảm kịch đó đã mở ra một thời đại hoàn toàn mới. Mục đích của tôi không phải là để bình luận hay chỉ trích về tình hình chính sự hay kinh tế của thế giới mà đơn giản là để phản ánh lại điều đó” - Greta Gerwig chia sẻ với truyền thông.

Là một nữ nghệ sĩ đa năng của dòng phim độc lập, với khả năng biên kịch và diễn xuất được đánh giá cao nhưng ở “Lady Bird: Tuổi nổi loạn”, Greta Gerwig mới lần đầu làm đạo diễn.

Có hai điểm đáng chú ý về “Lady Bird: Tuổi nổi loạn”, theo các nhà phê bình. Trước hết, đây như là một phim bán tự truyện của Greta Gerwig, bởi nữ đạo diễn trẻ đã dùng nguồn cảm hứng từ chính cuộc đời mình để viết nên câu chuyện tuổi 17 của Christine McPherson (Saoirse Ronan). Câu chuyện của cô nữ sinh Christine McPherson có rất nhiều điểm tương đồng với thời niên thiếu của nữ đạo diễn 34 tuổi này. Từng viết rất nhiều kịch bản trước đó nhưng lần này, Greta Gerwig quyết định đây sẽ là bộ phim đầu tiên mà mình đạo diễn:

“Sau khi hoàn tất kịch bản này, tôi biết rằng mình sẽ đảm nhận cương vị đạo diễn của bộ phim. Và tôi cũng biết rằng đó là điều mà tôi đã dự định ngay từ lúc bắt đầu những câu chữ đầu tiên, chỉ là tôi cố gắng không nghĩ quá nhiều về điều đó để bản thân không cảm thấy quá áp lực”.

Điểm thứ hai, bộ phim mang tính nữ quyền đậm nét khi được làm ra bởi một người phụ nữ, kể câu chuyện của một cô gái trẻ và nổi bật lên tình cảm giữa người mẹ và cô con gái…

Và cái tài của nữ đạo diễn là khiến cho mỗi khán giả nhìn thấy chính mình trong đó với những năm tháng đẹp nhất của tuổi học trò, sự ương ngạnh của tuổi mới lớn, cái tuổi “nhất quỷ nhì ma”, và cả những hành động nông nổi khiến ai đó phải trả giá đắt mà sau này phải qua rất nhiều trải nghiệm ta mới nhận ra được điều đó.

Tĩnh lặng, bình yên nhớ về quá khứ

Đạo diễn Greta Gerwig muốn bộ phim đầu tay được nhuộm bởi những gam màu tĩnh lặng và bình yên, gợi nhớ về một miền ký ức thân thuộc trong tiềm thức mỗi con người.

Một bầu không khí hoài cổ của đầu những năm 2000 được tái hiện xuất sắc trong phim, từ bối cảnh đến phục trang, nhạc phim. Theo nhà thiết kế trang phục April Napier thì các phong cách thời trang đặc trưng của Los Angeles đều rơi vào khoảng những năm 50 đến những năm 90 của thế kỷ trước, và gần như không có gì nổi bật từ đầu những năm 2000. Và ông lựa chọn cho nhân vật chủ yếu là những chiếc quần jean ống vẩy, vòng cườm hạt, mũ Von Dutch và những bộ đồ nhung.

Greta Gerwig mong muốn bộ phim như một cuốn hồi ký giàu có về cảm xúc, mang hình ảnh một vùng quê tươi đẹp và bình dị. Câu chuyện về mẹ và con gái cùng những tâm tư đầu đời ngây thơ của cô nàng Lady Bird vừa dung dị, vừa chân thật đã làm khán giả xúc động. Nhà làm phim không phán xét ai đúng, ai sai trong cuộc tranh luận 2 mẹ con mà chỉ muốn “phản ánh được sự đau đớn của cả hai người khi không thể tiến lại gần nhau hơn, dù rằng họ thực sự rất yêu thương và quan tâm tới nhau. Đối với tôi, đó mới chính là câu chuyện tình yêu xúc động nhất. Tình cảm giữa mẹ và con gái luôn là một trong những thứ tình cảm sâu sắc nhất”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn