MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường quay Cổ Loa. Ảnh: Thùy Trang

Sự thật đằng sau giấc mơ nghìn tỉ ở trường quay Cổ Loa

Huyền Chi LDO | 02/11/2023 12:00

Cổ Loa là trường quay đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã có từ hơn 50 năm trước. Nhiều đề án nghìn tỉ từng được đề xuất để biến Cổ Loa thành trường quay hiện đại, thậm chí cấp quốc tế, nhưng đến nay vẫn chỉ là giấc mơ.

Giấc mơ vẽ bằng tiền ở các dự án

Trường quay Cổ Loa (Hà Nội) trước là Khu điện ảnh Cổ Loa, được xây dựng từ năm 1959 với sự hợp tác của Đức và Nga. Theo kì vọng khi ấy, Cổ Loa sẽ trở thành trường quay hiện đại nhất Việt Nam với tổng diện tích 15 ha.

Trường quay được chia thành ba khu liên hợp: Khu kỹ thuật (gồm trường quay nội; trường quay dưới nước; nhà kỹ thuật hình, tiếng: Khu xưởng dựng cảnh, phục trang và máy móc thiết bị; xưởng in tráng phim; kho); Khu nhà điều hành (gồm khối văn phòng; nhà chiếu duyệt phim và nhà công vụ) và Khu trường quay ngoại (bao gồm Khu bối cảnh sử dụng nhiều lần và khu bối cảnh sử dụng một lần).

Thập niên 60, 70 thế kỷ trước, trường quay này là "thủ phủ" của điện ảnh Việt Nam, là cái nôi của nhiều bộ phim kinh điển như "Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”, “Nghêu, sò, ốc, hến”... Sau thời huy hoàng đó, vì nhiều lý do, trường quay Cổ Loa bị bỏ hoang cho cỏ mọc.

Năm 2011, hơn 100 tỉ đồng được rót vào trường quay Cổ Loa để thực hiện các phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Giám đốc trường quay Cổ Loa vào thời điểm đó từng dự kiến trong giai đoạn 2, Cổ Loa sẽ phát triển hệ thống trường quay ngoại cảnh khép kín, bao gồm cả các giai đoạn hậu kỳ của phim. Theo đó, giấc mơ vẽ ra đến năm 2015, Cổ Loa đáp ứng trọn gói nhu cầu của 30 phim truyện điện ảnh/năm và tăng lên 35 phim vào năm 2020.

Hướng cho tương lai xa là thiết kế các bối cảnh kiên cố, bền vững có thể sử dụng cho cả dòng phim lịch sử thuộc nhiều triều đại phong kiến và nhiều bộ phim hiện đại. Các bối cảnh này cũng được vận hành để đưa vào phục vụ du lịch như một cách mà các quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến vẫn làm.

Thế nhưng, phục vụ được 2 phim lịch sử “Thái sư Trần Thủ Độ” và “Huyền sử Thiên Đô”, phim trường lại tiếp tục "đắp chiếu" chờ quy hoạch tổng thể.

Đoàn phim rời đi, để lại khuôn viên đổ nát, hoang tàn.

Đến năm 2021, Cục Điện ảnh lập dự án xây dựng trường quay Cổ Loa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nói: “Trường quay sẽ có cả khu vực quay mặt đất và quay dưới nước. Trường quay đạt chuẩn quốc tế để thu hút các đoàn phim, thậm chí đoàn phim nước ngoài cũng có thể dùng trường quay của mình thì mới phát triển được công nghiệp điện ảnh. Kế hoạch đang là như vậy”.

Phía cổng sau của trường quay, nhiều xe khách chở học sinh đến khu trải nghiệm dừng đỗ. Ảnh: Thùy Trang

Giấc mơ chỉ là giấc mơ

Khi bàn đến công nghiệp điện ảnh, giới làm phim Việt đặt ra ước muốn cấp bách nhất là cần có trường quay.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ví, với công nghiệp điện ảnh, trường quay giống như "nhà máy". Sẽ không thể bàn tới công nghiệp khi chưa có nhà máy.

Thế nhưng, những năm qua, trường quay Cổ Loa cho thuê một phần khuôn viên chỉ để dựng hội trại cho học sinh, sinh viên.

Sau 2 bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” và “Huyền sử Thiên Đô”, các bối cảnh cũng được tận dụng để quay một vài cảnh phim “Thiên mệnh anh hùng”. Đoàn phim dựng bối cảnh tốn kém nhưng chỉ dùng một lần rồi bỏ.

Điện ảnh đang bàn đến công nghiệp hóa nhưng trường quay bỏ tiền tỉ cải tạo không thể tái sử dụng, tốc độ sản xuất phim chậm, số phim thua lỗ chiếm đến 70-80%.

Những năm 1980, Việt Nam sản xuất 30 phim/năm, dân số 40 triệu người. Nếu đúng tốc độ phát triển, đến năm 2020, khi chúng ta có 100 triệu dân thì phải có 90 phim/năm.

Nhưng đến năm 2010, với 80 triệu dân, chúng ta mới chỉ có 10 phim/năm. Nhìn sang Hàn Quốc, khi dân số là 47 triệu, họ có gần 20 trường quay và làm 70 phim điện ảnh/năm.

Theo ghi nhận của phóng viên, một ngôi trường đã được xây dựng đằng sau khuôn viên. Trao đổi với Lao Động, một nhà làm phim từng khảo sát trường quay Cổ Loa cho biết, việc này có thể gây rủi ro ô nhiễm âm thanh, ảnh hưởng đến ngoại cảnh.

Rất nhiều trường quay trên thế giới đã là điểm đến hút khách, mang lại nguồn lợi du lịch khổng lồ, trường quay ở Việt Nam vẫn chỉ là giấc mơ xa xỉ, được vẽ bằng rất nhiều tiền trên các dự án.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung Ương cho rằng, "Không phải cứ đổ thật nhiều tiền vào xây dựng là sẽ có ngay một công trình văn hóa hiệu quả hay một tác phẩm văn hóa hay. Cần phải đặt tiền vào đúng tay người có tài, có tâm, có tầm nhìn. Nếu đặt tiền vào tay những người chỉ chăm chăm tiêu tiền, sẽ rất nguy hiểm".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn