MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ Vu Lan là dịp thể hiện văn hóa hiếu nghĩa của người dân Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

Sự thay đổi của Lễ Vu Lan

Huyền Chi LDO | 24/08/2023 16:03

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt và nhiều quốc gia châu Á, Lễ Vu Lan diễn ra vào dịp Rằm tháng 7 hằng năm. Đây là dịp để những người con tưởng nhớ, tri ân công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trong ngày này, nhiều bạn trẻ đến chùa để cầu may cho gia đình, tự nhắc nhở bổn phận của mình đối với cha mẹ.

Từ truyền thống

Nhiều năm qua, cứ đến tháng 7 Âm lịch, các khóa tu, khóa thiền thu hút hàng nghìn Phật tử tham dự, trong đó phần lớn là các bạn trẻ. Các hoạt động như thả đèn hoa đăng, làm cỗ cúng, đến chùa cầu may, ăn chay, chép kinh Phật... được giới trẻ quan tâm.

Nói về truyền thống lên chùa cầu may, bạn Nguyễn Thị Phương Anh - sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ: “Từ khi học cấp 3 đến nay, mỗi dịp Vu Lan hàng năm, tôi thường cùng người thân tới chùa tham gia vào các chương trình, nghi lễ truyền thống Phật giáo như: Lễ đặt bát cúng dường Tam Bảo, lễ dâng đăng tri ân cha mẹ, lễ quy y Tam Bảo… hoặc sẽ cùng bạn bè đăng ký hỗ trợ công tác tổ chức ngày lễ tại chùa”.

Theo hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, trong Phật giáo có 4 ơn lớn gồm: Ơn Tam bảo; ơn Quốc gia xã hội; ơn Cha mẹ sinh thành, Thầy cô dạy bảo và ơn tất cả mọi loại chúng sinh. Nhưng riêng trong tháng 7 Âm lịch thì nặng về báo ơn cha mẹ. Từ đó hình thành nên mùa tri ơn và báo ơn hay còn gọi là mùa Vu Lan.

Do đó, vào Lễ Vu Lan, nhiều gia đình Việt nấu bữa cơm chay, cúng đồ chay để thể hiện lòng thành, cầu chúc cho cha mẹ khi còn sống mạnh khỏe, bình an, khi mất đi có thể siêu thoát và hưởng phước lành cùng con cháu.

Tới tín ngưỡng thời 4.0

Những năm gần đây, không chỉ Việt Nam mà giới trẻ ở Trung Quốc cũng chuộng thực phẩm thuần chay, giúp thị trường thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật của xứ tỉ dân ước đạt trị giá gần 12 tỉ USD vào năm 2023.

Tờ SCMP đưa tin, sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, các nước châu Á bắt đầu tổ chức các hoạt động trực tiếp trong tháng 7 Âm lịch, đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại để thu hút giới trẻ. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), các sự kiện được bổ sung hoạt động tương tác với chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) và trò chơi nhập vai.

Phó Chủ tịch Anven Wu Yim của Liên đoàn các Tổ chức Cộng đồng Triều Châu tại Hồng Kông cho biết: “Chúng tôi hy vọng các hoạt động của Lễ hội Văn hóa Vu Lan, thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến, sẽ có thể thu hút giới trẻ tìm hiểu về bản sắc văn hóa truyền thống”.

Ông Anven Wu Yim chia sẻ, các hoạt động truyền thống như đọc kinh và biểu diễn kinh kịch có thể không hấp dẫn đối với một số khán giả. Vì vậy, ban tổ chức quyết định sử dụng một chatbot hỏi đáp được hỗ trợ bởi phần mềm AI ChatGPT 3.5 và một trò chơi nhập vai hành động trực tiếp. Phần mềm này được biết đến với tên gọi “Vu Lan bot ChatGPT”, đã được lập trình để có thể giải đáp cho du khách về lễ hội và các thông tin liên quan.

Ngày Rằm tháng 7 cũng là cao điểm của Lễ Vu Lan báo hiếu ở nhiều nơi khắp châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Indonesia... Ở Nhật Bản, có một nghi lễ tương tự Vu Lan gọi là Obon. Ban đầu, Obon là lễ cúng những linh hồn đã khuất, ngày nay biến đổi thành một kỳ nghỉ đoàn tụ gia đình, những người từ các thành phố lớn sẽ trở về quê, thăm hỏi, vui chơi với nhau và dọn dẹp nơi an nghỉ của tổ tiên họ (giống như tục Tảo mộ ở Việt Nam). Theo truyền thống, trong lễ này bao gồm cả hoạt động khiêu vũ được gọi là Bon Odori, được kết hợp cùng lễ diễu hành đường phố...

Mùa Vu Lan cũng là dịp để gia đình tụ họp, sum vầy, để mỗi người tự nhắc nhở về đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn