MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trong bài “Baby shark”. Ảnh chụp màn hình cắt từ video clip

Sức hút không ngờ từ những ca khúc dành cho thiếu nhi

Huyền Chi LDO | 01/06/2024 06:00

Với sức sống bền bỉ theo năm tháng, âm nhạc thiếu nhi đồng hành cùng nhiều thế hệ khán giả, trở thành món ăn tinh thần không thiếu của các bạn nhỏ.

“Thế lực” mang tên khán giả nhí

Hiện tại, “Một con vịt” là ca khúc Việt có lượt xem cao nhất trên nền tảng YouTube, đã vượt mốc 982 triệu. Chỉ trong vòng 3 tháng qua, MV của bài hát đã tăng 60 triệu lượt xem, một mức tăng đều đặn dù sản phẩm đã phát hành 4 năm. Ca khúc này đang tiến gần đến cột mốc trở thành bài hát Việt Nam đầu tiên đạt 1 tỉ lượt xem trên YouTube.

Thành tích trên vượt xa các MV trăm triệu view còn lại như “Cả nhà thương nhau” thu hút 733 triệu view, “Bống bống bang bang” của 356 Band - 589 triệu view, phiên bản do bé Bào Ngư thể hiện có 595 triệu view, “Thương lắm thầy cô ơi” vượt mốc 500 lượt xem...

Có thể thấy, các MV có lượt xem cao nhất ở Việt Nam đều có khán giả trung thành là các em nhỏ. Trong khi đó, những nghệ sĩ đông fan, nhiều bản hit (ca khúc nhiều người nghe) như Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh... vẫn còn cách mốc 500 triệu lượt xem một khoảng xa.

Trên thế giới, các ca khúc dành cho trẻ em cũng chiếm lĩnh danh sách video đạt nhiều lượt xem nhất YouTube. Nhiều năm qua, danh hiệu video được xem nhiều nhất thế giới trên YouTube chưa ai qua nổi “Baby shark” (Cá mập con). Video dài hơn 2 phút do kênh Pinkfong (Hàn Quốc) sản xuất đã thu về hơn 14 tỉ lượt xem và vẫn giữ mức tăng đều hằng ngày, thậm chí hằng giờ.

Trong Top 10 các video có lượt xem cao nhất YouTube có tới 6 sản phẩm dành cho thiếu nhi, từ độ tuổi mẫu giáo đến thiếu niên. Kênh Cocomelon - Nursery Rhymes chuyên đăng những video âm nhạc cho trẻ em hiện có hơn 173 triệu người đăng ký và có đến 35 video đạt trên 1 tỉ view.

Thị trường âm nhạc giải trí cho trẻ em đem lại lợi nhuận khổng lồ chi phí sản xuất thấp, các ca khúc đồng dao không có tác giả nên dễ khai thác, dễ tiếp cận người xem hơn so với MV âm nhạc dành cho người lớn.

Khi một MV nhạc thiếu nhi đạt tương tác cao, hàng chục phiên bản khác, chỉ thay đổi một vài chi tiết, được sản xuất hàng loạt để tận dụng sức hút, tận thu lợi nhuận.

Nhạc thiếu nhi Việt Nam còn thiếu

Nhiều năm qua, âm nhạc thiếu nhi ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của khán giả nhỏ tuổi. Điển hình, ca khúc “Một con vịt” sử dụng hình ảnh hoạt hình có sẵn và ghép với bản thu âm ca khúc đơn giản. Sau đó, những chú vịt vàng xuất hiện trong MV này lại được chắp vá cho những video khác theo kiểu sản xuất hàng loạt, nhân bản nội dung.

Trong những bài hát được chuyển ngữ sang tiếng Việt, việc viết lời chưa thật sự trau chuốt, dấu thanh không khớp với giai điệu, lời nhạc có khi còn sáo rỗng. Trong ca khúc “Chơi trốn tìm trong rừng cùng gia đình cá mập”, câu hát “cá mập ba, đuôi xanh, cá mập ba” bị bẻ dấu để đúng nốt nhạc.

Nhiều năm qua, âm nhạc thiếu nhi thiếu trầm trọng những ca khúc mới, những tác phẩm tạo tiếng vang. Thay vào đó, khán giả nhí vẫn nghe đi nghe lại những bài nhạc đã có từ lâu, do thế hệ ông bà, bố mẹ thuộc lòng như “Bé lên ba”, “Bà ơi bà”, “Một con vịt”... Ở trường học, học sinh chỉ được học những tác phẩm âm nhạc “đi cùng năm tháng”. Các hội thi hội diễn ca múa nhạc thiếu nhi cũng sử dụng chủ yếu những sáng tác có vài chục năm tuổi.

Những năm 2000, dòng nhạc thiếu nhi từng phát triển mạnh mẽ, bán hàng triệu đĩa nhờ sự thể hiện của các ca sĩ nhí, trong đó điển hình là Xuân Mai. Nhưng khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, khán giả nhí giờ đây chuộng nghe nhạc ngoại, thậm chí cả những ca khúc của người lớn, nhạc remix, nhạc ngắn trên TikTok...

Năm 2017, các tác giả ở Đại học Ben-Gurion (Israel) đã dùng cụm từ “Những khán giả YouTube mặc tã” để gọi những đứa trẻ dưới 3 tuổi say mê việc xem video trực tuyến. “Một con vịt” gần cán mốc tỉ view nhờ lượng truy cập lớn của khán giả trẻ em cũng cho thấy tiềm năng lớn của phân khúc nhạc thiếu nhi tại thị trường âm nhạc Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn