MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bối cảnh phim “Chuyện của Pao” trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sủng Là sau 17 năm phim ra mắt. Ảnh: Hào Hoa

Sức mạnh trong tính độc bản của văn hóa trên thế giới phẳng

Hào Hoa LDO | 19/10/2023 08:24

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Lao Động ngay khi phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” lọt vào danh sách 15 tác phẩm tài liệu xuất sắc ở Oscar, đạo diễn Hà Lệ Diễm nói, cô quá bất ngờ với kết quả này, bởi bộ phim phản ánh rõ nét văn hóa bản địa của dân tộc H’Mông ở miền núi phía Bắc, Việt Nam.

Sức mạnh của văn hóa bản địa

Điều khiến Hà Lệ Diễm luôn bất ngờ trong suốt hành trình đưa phim đi dự giải ở các liên hoan phim quốc tế, đó là khán giả khắp thế giới dành tình cảm yêu thích đặc biệt cho câu chuyện về hành trình trưởng thành của bé gái H’Mông ở Sa Pa (Lào Cai).

Trước khi đến Oscar, “Những đứa trẻ trong sương” tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Docaviv, đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế 2021 ở Amsterdam, Hà Lan (IDFA 2021).

Hà Lệ Diễm nói, ở bất cứ liên hoan phim nào, khán giả quốc tế thuộc nhiều lứa tuổi đều đến xem rất đông.

“Vé xem phim tài liệu khá đắt, từ 7-12 Euro/vé, nhưng khán giả đến rất đông, hầu như phủ kín. Ở Liên hoan phim Sydney (Úc), một rạp chiếu phim tài liệu hơn 2.000 ghế, vé tầm 16-18 USD, vẫn kín rạp.

Khi “Những đứa trẻ trong sương” chiếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Pháp, rất nhiều khán giả trẻ ở độ tuổi thiếu niên 15-17 tuổi đi xem. Họ nói rằng, họ thấy chính mình, cảm xúc của mình, khi theo dõi câu chuyện của Di” - Hà Lệ Diễm kể. Di là cô bé H’Mông - nhân vật chính trong phim. Di đã từ chối cuộc hôn nhân từ tục kéo vợ của người H’Mông để tiếp tục hành trình trưởng thành của mình.

Hà Lệ Diễm nói, cô đã kể câu chuyện rất riêng của những cô bé người H’Mông, của nét văn hóa bản địa mang màu sắc vùng miền dị biệt, độc bản - nhưng khán giả thế giới vẫn yêu thích đặc biệt, và nhìn thấy chính họ trong tính độc bản của văn hóa khác biệt.

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” lấy bối cảnh quay tại nhiều tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ với mục đích ngợi ca vẻ đẹp trù phú, hoang sơ gắn với những đặc điểm văn hóa riêng biệt ở vùng đất này.

“Tro tàn rực rỡ” - tác phẩm vừa đoạt Cánh Diều Vàng và được chọn là đại diện điện ảnh Việt Nam gửi dự thi Oscar 2023 - cũng lấy bối cảnh sông nước miền Tây Nam Bộ, xoay quanh những số phận phụ nữ bất hạnh.

Sức lan tỏa khó lường

Đạo diễn Ngô Quang Hải khi bắt tay vào dự án “Chuyện của Pao” (2006) từng lo ngại, những câu chuyện mang tính đặc thù của văn hóa vùng miền có thể khó khăn trong việc tiếp cận số đông khán giả.

Làm thế nào để câu chuyện tìm mẹ của cô Pao trên vùng miền núi cao có thể hấp dẫn khán giả Hà Nội, khán giả sống ở đồng bằng, thành phố sầm uất - từng là bài toán đặt ra cho đoàn phim “Chuyện của Pao”. Không ai ngờ, bộ phim được yêu thích rộng rãi, thậm chí 17 năm sau, “Chuyện của Pao” vẫn mang đến sức hút du lịch đặc biệt cho Sủng Là - nơi được chọn là bối cảnh chính quay phim năm 2006.

Chia sẻ về tính độc bản trong văn hóa vùng miền ngày càng có sức hút mạnh mẽ, nhà thiết kế Minh Hạnh nói: “Vượt ra khỏi quy mô một tác phẩm nghệ thuật (như phim ảnh), vẻ đẹp văn hóa vùng miền không chỉ góp sức quảng bá du lịch, còn tăng độ nhận diện cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên thế giới phẳng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn