MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tác giả đoạt giải Nhất truyện ngắn chia sẻ chuyện phía sau tác phẩm về nữ lao công quét rác

Phạm Huyền LDO | 27/11/2023 06:57

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà văn Phương Trà, tác giả vừa đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học về công nhân công đoàn với truyện ngắn “Con đường của Hạ”.

“Con đường của Hạ” tái hiện cuộc sống của những phụ nữ trong xóm trọ nghèo. Trải qua đủ biến cố, họ tìm về đây nương tựa vào nhau.

Nhân vật chính ở vào hoàn cảnh phải đấu tranh để giữ phẩm giá của mình. Hạ nhận được sự giúp đỡ của nhân vật “chị” - một người ẩn danh, nhưng nét khắc họa dần rõ qua câu chuyện, lời nói của nhân vật chính.

Nhà văn Phương Trà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Cái tên “Con đường của Hạ” gợi mở ra trong trí tưởng tượng của độc giả một con đường không tên, nhưng lại gắn với nhân vật mang tên Hạ. Chị có thể chia sẻ về nhân vật của mình?

Hạ là một nhân vật hư cấu, nhưng hình ảnh, câu chuyện, cuộc đời, ước mơ và cuộc đấu tranh nội tâm đó có thể là của bất kỳ người lao động nào chúng ta có thể gặp ở bất kỳ địa phương nào trên khắp đất nước.

Đâu đó chúng ta vẫn đọc được câu chuyện về những người công nhân nhặt được khoản tiền lớn, ngay lập tức đem trả lại, dù cuộc sống của họ rất chật vật.

Cô Hạ là người chúng ta có thể gặp ở bất kỳ đâu, họ chật vật với những nỗi lo cơm áo nhưng vượt lên hoàn cảnh, họ vẫn giữ được những điều thuần khiết nhất trong tâm hồn.

Trong truyện, tôi còn dụng ý rằng con đường của Hạ là con đường cô làm việc, nhưng còn ý nghĩa khác là sự lựa chọn của Hạ, để mình sống thanh thản và nhẹ nhõm.

Tôi cũng cài cắm một chút về nhân quả, rằng: nếu sống tử tế thì sẽ được cuộc đời bù đắp như Hạ, còn ai sống ác thì sẽ phải trả giá.

- Điều gì thôi thúc chị phải đưa câu chuyện của Hạ đến với công chúng?

Khi biết đến “Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn" do Tổng Liên đoàn Lao động chủ trì; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện, tôi nghĩ rằng mình nên tham gia.

Tôi coi đó là một động lực, cơ hội để thực hiện một tác phẩm về mảng đề tài mình chưa từng thực hiện là công nhân, công đoàn. Bởi vậy, tôi cũng chưa có nhiều vốn liếng. Để thực hiện ý định này, tôi phải đi thâm nhập thực tế.

Tôi đã nghĩ mình sẽ viết về những người làm những công việc bình thường nhất, ít người để ý nhất, và để nói lên tiếng nói của họ.

Tôi dành thời gian thâm nhập thực tế, gặp những người công nhân quét rác và trò chuyện từ công việc, gia đình cho đến cuộc sống, những mong muốn của họ.

Tôi gặp vài người và hỏi rằng họ nghỉ ngơi thế nào khi công việc nặng nhọc như vậy. Trong đó một phụ nữ nói với tôi một câu rất ấn tượng: “Trừ dịp lễ Tết và những lúc bệnh, những người như chị không có khi nào bỏ con đường hết. Niềm vui là thấy con đường mà mình đã đổ mồ hôi xuống được sạch đẹp”.

Từ ấn tượng đó, những lần gặp gỡ và trao đổi, tôi viết “Con đường của Hạ”.

- Đó là nhân vật chính, còn một nhân vật chỉ xuất hiện qua lời xưng hô của Hạ là “chị”. Nhân vật ẩn danh này có gì đặc biệt?

Đó là nhân vật thú vị. Nhân vật phụ, không có tên, và trong tác phẩm này không được khắc họa nhiều. Qua những câu chuyện của nhân vật chính, nhân vật thứ thì chân dung của “chị” hiện lên, một cách vừa phải, khiêm tốn.

Cảm hứng để mình viết nhân vật này chính là từ nguyên mẫu có thật: Chị Nguyễn Thị Thu Vân, cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên. Chị Thu Vân là người miền nam, về Phú Yên làm dâu và gắn bó, xem đó là quê hương thứ hai của mình.

Sau khi nghỉ hưu, chị vẫn miệt mài với những công việc thiện nguyện, tích cực vận động kinh phí để xây cầu, xây trường, giúp người khó khăn. Thậm chí, chị còn tự đi bán nước giải khát vào mùa hè để lấy kinh phí đóng góp vào những hoạt động thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân (phải), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên, luôn miệt mài với công việc thiện nguyện. Ảnh: B.C.

- Trong truyện có một nhân vật xưng “tôi”. Đó có phải là chị?

“Tôi” có thể bất kỳ nhà báo nào trong đời sống này, hoặc ai đó ghi lại những câu chuyện tốt đẹp và lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống. (cười)

- Chị tâm đắc nhất với điều gì về tác phẩm?

Tôi viết tác phẩm này cũng vật vã. Đề tài này khó nhằn, dễ dẫn đến khô cứng, giống như một bài báo về người tốt việc tốt. Tôi cố gắng kể câu chuyện bằng ngôn ngữ văn chương trong khả năng, cài cắm một số chi tiết, hình ảnh ẩn dụ…

Qua đó gửi đi thông điệp rằng: Có những người làm những việc rất bình thường không có ai để ý tới, chật vật với lo toan cuộc sống, nhưng họ vẫn giữ được những điều đẹp, thuần khiết trong tâm hồn. Và tôi muốn góp phần lan tỏa thông điệp đó.

- Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn đã khép lại. Sân chơi này có ý nghĩa thế nào đối với chị?

Sau khi viết tác phẩm này và đọc những diễn tiến cuộc thi trên báo Lao Động về các tác phẩm được các cây đa, cây đề trong làng văn học đánh giá, tôi mới thấy rằng trước đây các nhà văn tiền bối đã khai thác rất thành công và có những tác phẩm lớn về đề tài công nhân, công đoàn. Nhưng một số nhà văn vì nhiều lý do nào đó mà chưa nhận ra là bản thân còn hổng ở chỗ này, chưa cày xới ở mảng này.

Cuộc thi này như một tiếng gọi mạnh mẽ, không chỉ với tôi mà cả một số nhà văn khác cũng vậy.

Đây là một mảng đề tài lớn, đặc biệt sau giai đoạn vài năm người lao động phải chống chọi với COVID-19 và bị ảnh hưởng nặng nề. Những người cầm bút như tôi sẽ quan tâm đến mảng đề tài này nhiều hơn, coi đó như cơ hội để thử sức.

- Cảm xúc của chị khi nhận giải?

Đương nhiên là hạnh phúc! Thành viên Hội đồng ban giám khảo từ sơ khảo đến chung khảo đều là những nhà văn tên tuổi, với những tác phẩm tôi cực kỳ ngưỡng mộ. Đoạt giải thưởng tức là tác phẩm tôi viết ra nhận sự đồng cảm của ban giám khảo.

Tôi sẽ chia sẻ niềm vui đó với các đồng nghiệp, và chia sẻ những niềm vui rất thực tế với một số người có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương mình. Ở đó, rất nhiều người tôi gặp, ngay cả khi chưa gặp, đang có cuộc sống khó khăn vô cùng. Từ những câu chuyện của họ, tôi mới có nhiều cảm xúc, chất liệu để viết “Con đường của Hạ”.

Chắc chắn tôi sẽ gặp lại những nữ công nhân vệ sinh môi trường, và sẽ mang đến những niềm vui cho họ.

Nhà văn Phương Trà tên thật Trịnh Thị Phương Trà, sinh năm 1976 tại xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hiện chị công tác tại Báo Phú Yên và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, Chi hội phó Văn học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn