MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tâm xuất Phật biết

Việt Văn LDO | 20/02/2024 09:11

Bà đi về than thở đầu năm đi chùa cúng dường mà tâm trí vội vàng làm sao quên không lấy giấy ghi công đức để còn giữ và “pốt” lên Facebook.

Bà luôn là người đi đầu trong đám bạn hô hào công đức, từ thiện từ việc xây trường học vùng sâu, vùng xa cho đến đúc tượng nhà chùa. Bà cũng dạy bảo, nhắc nhở con cháu phải góp tiền mỗi khi có phong trào là phải “nhất thanh bá ứng”. Bà hay kể cho bạn bè nghe và khuyên họ nên làm công đức vì “cho đi sẽ nhận lại”, mà thời nay nhân quả nhỡn tiền. Như cậu trẻ gì gần nhà đang thất nghiệp theo bà đi làm từ thiện cho trẻ mồ côi một chuyến, về nhà là xin việc được ngay mà là chỗ ngon.

Bạn đi chùa về hứng khởi lắm, vì lần đầu được thầy cho vào lễ trong thất - vốn chỉ dành cho khách đặc biệt và đại đệ tử. Thất chỉ chứa được 10 người là cùng, ở đó thầy trực tiếp làm lễ và tặng sợi dây may mắn thầy mang từ vùng đất linh thiêng có “tứ động tâm”. Bạn là người đã kết giao với thầy nhiều năm và hơn thế cũng luôn là người cúng dường đều và nhiều hơn những người khác. Có lần, cô của bạn đã hỏi thầy rằng: Cúng dường Phật cũng như con cái mời cơm cha mẹ, nếu con giàu thì mời bữa 5 triệu còn con nghèo dâng lễ chỉ có 500 nghìn, không lẽ con 5 triệu có hiếu hơn? Thầy chỉ cười, bảo đến đất Phật đừng nói chuyện tiền, tất cả là tùy tâm và tùy duyên.

Còn cậu em của bạn kể đến chùa không bao giờ cầu xin Phật công danh hay tiền bạc vì Đức Phật vốn đã từ bỏ tất cả chỉ để tìm đến sự giác ngộ, giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Cậu cũng không xin điều gì mà chỉ muốn tìm đến sự yên tĩnh để soi lại lòng mình xem thực sự mình muốn để lại giá trị gì cho cuộc đời. Nhưng giờ nhiều chùa ồn ào quá, hôm rồi vào chính điện một ngôi chùa cổ ở Đồng bằng Bắc Bộ mà dội vào tai âm thanh của ba bà sồn sồn. Một bà xin lễ cho chồng mình được thăng quan tiến chức đợt này, bà kia khấu đầu lễ con trai tai qua nạn khỏi thoát khỏi các “oan gia trái chủ” làm phiền, còn bà này lại oang oang xin Phật làm sao để chồng mình thoát khỏi lưới tình, trở về với gia đình “quay đầu là bờ”. Bà nào cũng sợ Phật phải nghe nhiều quá không thấu chuyện của mình nên trình bày “sớ” mồm to tát, dõng dạc mà không thèm để ý xung quanh. Người ta bảo “tâm xuất Phật biết” nhưng nhiều khi tâm và ngôn đều xuất mà chắc gì Phật đã để tâm, phải không ạ?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn