MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tận mắt chế độ sinh hoạt, làm việc như thanh niên của nhạc sư 102 tuổi

Lục Tùng LDO | 07/01/2019 07:30

Ở tuổi ngoại bách niên, vị nhạc sư được biết đến như “Di sản sống của đờn ca tài tử Nam Bộ” sống như thế nào sau khi rời Sài Gòn phồn hoa trở về cố hương sau 70 năm xa cách?

Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 ở Mỹ Trà (Sa Đéc) nay là TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) đang chuẩn bị bước vào tuổi 102. 

Không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn điêu luyện nhiều nhạc cụ, trong vai trò Trưởng ban nhạc cổ miền Nam của Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, rồi sau này là dạy và truyền nghề đàn, kiến thức âm nhạc đờn ca tài tử Nam bộ qua mạng Internet và sách do chính mình biên soạn, ông còn là thầy dạy nhạc với hàng nghìn môn đồ trong nước.

Với khả năng thạo 5 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nhật, Trung và Khmer) ông đã nhiều lần đến trường đại học ở Mỹ, Pháp, Nhật... giảng dạy và nói chuyện về đờn ca tài tử trong vai trò giáo sư biệt thỉnh, hoặc cùng phối hợp với GSTS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy... Ông cũng là người cải tiến và trực tiếp thực hiện cây đàn tranh 16 dây du nhập từ Trung Quốc thành đàn tranh 17, 19 rồi 21 dây, tiện lợi khi chuyển điệu, có âm sắc, âm vang cao hơn, hay hơn.

Những đóng góp miệt mài của ông đã đặt nền tảng để UNESCO công nhận Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản phi vật thể của nhân loại. Ông được nhiều tổ chức âm nhạc trong nước và thế giới công nhận, trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, như: Giải thưởng Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, Giải thưởng Đào Tấn,... được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới ở Honolulu (Mỹ) và Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học...

Tháng 5.2018, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vận động nhà hảo tâm cùng gia đình cất ngôi nhà bên rạch Cái Sâu (đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 4) để nhạc sư trở cố hương sau 70 năm xa cách.

Năm 2019, bước vào tuổi 102, nhưng nhạc sư vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Báo Lao Động xin gởi đến bạn đọc những hình ảnh về hoạt động của nhạc sư 102 tuổi.

Hình ảnh nhạc sư Vĩnh Bảo bước vào tuổi 102 với mái tóc dài và trắng đặc trưng. Ảnh: Lục Tùng
Nhạc sư Vĩnh Bảo (từ phải sang) cùng nhạc sĩ Phạm Duy và GS.TS Trần Văn Khê hòa tấu âm nhạc dân tộc tại trường đại học ở Mỹ vào năm 1971. Ảnh Lục Tùng chụp lại tư liệu gia đình.
Giải thưởng Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh - một trong số nhiều giải thưởng của nhạc sư Vĩnh Bảo được trao tặng. Ảnh: Lục Tùng
Tháng 5.2018, ông trở về cố hương sinh sống trong ngôi nhà yên tĩnh bên bờ rạch Cái Sâu (TP Cao Lãnh). Ảnh: Lục Tùng
Ở tuổi 102, nhạc sư vẫn tự đi lại... Ảnh: Lục Tùng
Ông vẫn giữ thói quen viết lách những điều tâm đắc về âm nhạc cổ truyền Nam Bộ. Ảnh: Lục Tùng
Vẫn điêu luyện với ngón đờn ở tuổi 102. Ảnh: Lục Tùng
Ông vẫn sử dụng thành thạo điện thoại di động để liên lạc với khắp nơi. Ảnh: Lục Tùng
Đặc biệt là thường xuyên đọc báo và cập nhật, trao đổi thông tin trên Internet. Ảnh: Lục Tùng
Ông vẫn giữ được thói quen làm việc, sinh hoạt theo lịch khóa biểu được soạn từ ngày hôm trước. Ảnh: Lục Tùng
Ông vẫn khỏe mạnh và ăn uống điều độ, khoa học. Mỗi ngày ông ăn 4-5 lần với thức ăn dễ tiêu, vừa đủ no... Ảnh: Lục Tùng
Những ngày đẹp trời, ông còn đón taxi ra quán cà phê ở trung tâm thành phố... Ảnh: Lục Tùng
để trò chuyện với người thân và giới văn nghệ sĩ... Ảnh: Lục Tùng
Và thăm Nhà trưng bày, nơi ông hiến tặng cho tỉnh Đồng Tháp trên 80 hiện vật gắn bó với bước đường nghiên cứu, biểu diễn âm nhạc cổ truyền Nam Bộ của ông. Ảnh: Lục Tùng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn