MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách tham quan, vui chơi ở Bà Nà Hills mùa dịch COVID-19. Ảnh: T.L

Tăng cường quảng bá “Việt Nam an toàn”, “Việt Nam chào đón”

THANH MAI LDO | 27/02/2020 18:33

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến tại Hàn Quốc, chiều ngày 25.2, Tổng cục Du lịch (Bộ VVHTTDL) gấp rút ra khuyến cáo đề nghị các sở, ban ngành và doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc thực hiện phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là tạm dừng tổ chức đưa các đoàn khách đến thành phố Daegu, tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc).

Hủy tour, khách du lịch Hàn Quốc giảm sâu

Theo thống kê, trong tháng 2, lượng khách Hàn Quốc lưu trú tại Hà Nội khoảng 26.000 người, Nhật Bản hơn 20.000, Pháp gần 16.000, Italia hơn 3.000… Từ ngày 21 đến 24.2, khách Hàn Quốc đến Hà Nội là hơn 814 lượt/ngày (giảm hơn 50% so với cùng thời điểm năm 2019), khách Nhật Bản là hơn 1.000 lượt/ngày (giảm 20%).

Trước diễn biến của dịch COVID-19, nhiều du khách Việt Nam đã đề nghị hủy tour đi Hàn Quốc, Nhật Bản đến hết tháng 4.2020. Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc điều hành Vietrantour - hiện có gần 600 khách đề xuất hủy tour đi Hàn Quốc và 245 khách hủy tour đi Nhật Bản do lo ngại dịch COVID-19, thiệt hại về doanh thu ước tính 20 tỉ đồng. Doanh nghiệp đang làm việc với các đối tác cung cấp dịch vụ tại 2 nước trên để hoàn lại chi phí, giảm thiệt hại cho khách. Còn ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Goldentour thông tin rằng, 15 đoàn khách đi Nhật Bản đề xuất hủy với khoảng 200 khách, đi Hàn Quốc có khoảng 300 khách hủy.

Trao đổi với Lao Động, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) - cho biết, TCDL khuyến cáo dựa trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, công dân Việt Nam không đi đến vùng có dịch, các doanh nghiệp lữ hành cân nhắc và hạn chế việc xem xét, tổ chức các tour đến với Hàn Quốc, đặc biệt là ở trong thời điểm này. Ngoài ra, TCDL đề nghị không đón khách từ vùng có dịch hoặc đi qua vùng có dịch đối với người Hàn Quốc cũng như những người mang các quốc tịch khác, đồng thời thực hiện nghiêm túc đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch dành cho du khách. 

Tập trung khai thác thị trường Châu Âu và Châu Mỹ

Việc các thị trường du lịch trọng điểm sụt giảm như Trung Quốc (100%), Hàn Quốc (70%) và Nhật Bản (50%) chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Việt Nam. Theo dự báo, tổng thiệt hại từ các thị trường Đông Bắc Á là 50%. Để bù đắp, TCDL đã lên kế hoạch ứng phó, với rất nhiều giải pháp mạnh mẽ để khắc phục, tái cơ cấu thị trường nhằm thu hút khách quốc tế tại một số thị trường khác, ví dụ như Australia, New Zealand hay Ấn Độ…

Theo đánh giá của ông Đặng Thanh Tùng - Giám  đốc Công ty CP Du lịch Tân Thế giới - New World Travel, thời điểm hiện tại cần hạn chế du khách Hàn Quốc và Nhật Bản nhập cảnh, hoặc nếu nhập cảnh cần kiểm tra kỹ lưỡng, cần thiết đưa vào khu cách ly 14 ngày theo dõi để đảm bảo an toàn tối đa, đề phòng việc lây lan.  Việc an toàn cho du khách vẫn cần đặt lên hàng đầu, “phòng hơn chữa”. Khi mọi thứ đã lắng xuống, các doanh nghiệp sẽ có triển khai kế hoạch, bắt tay hợp tác giảm giá tour, xây dựng chương trình đa dạng để thu hút du khách trở lại.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group - ông Đặng Minh Trường nhìn nhận, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong suốt thời gian qua đã khiến ngành Du lịch của toàn thế giới lao đao, không riêng gì Việt Nam. Là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Sun Group cũng không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng. Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng do COVID-19 gây ra, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch thu hút du khách trong mùa dịch và ngay sau khi dịch kết thúc, tập đoàn đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo môi trường du lịch an toàn và hấp dẫn cho du khách. Các biện pháp quyết liệt và đồng bộ ngay từ đầu mùa dịch cũng được triển khai tại các công trình, tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, resort, cảng hàng không quốc tế... do Tập đoàn đầu tư và vận hành.

Trước những khó khăn lớn du lịch Việt Nam đang phải hứng chịu, ông Đặng Minh Trường đề xuất triển khai ngay Chiến dịch quảng bá sâu rộng trong nước và trên thế giới về thông điệp “Việt Nam an toàn”, đặc biệt nhấn mạnh những điểm đến an toàn, có khí hậu nắng ấm quanh năm, tạo niềm tin cho du khách đi du lịch. Ngoài ra, ưu tiên các thị trường Châu Âu và Châu Mỹ. Hỗ trợ tối đa về kinh phí lẫn thủ tục cho doanh nghiệp du lịch trong các chuyến quảng bá xúc tiến du lịch quốc tế, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai Chiến dịch quảng bá “Việt Nam chào đón” trên khắp các thị trường quốc tế tiềm năng, với những chương trình ưu đãi hấp dẫn, những điểm đến mới, sản phẩm du lịch độc đáo, đặc biệt nhấn mạnh những sản phẩm du lịch về đêm mới mẻ được triển khai tại các thành phố lớn.

Ngành Du lịch Việt Nam sẽ có những chương trình kích cầu thiết thực để quảng bá đến du khách quốc tế về một “Việt Nam - Điểm đến an toàn”. Dự báo, sau một thời gian trì trệ ngành Du lịch sẽ tiếp tục “bùng nổ”, du khách sẽ nhanh chóng tăng trưởng trở lại. Vì vậy DLVN cần phải gấp rút đào tạo nguồn lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hoàn thiện cơ sở vật chất để chính thức “vào guồng” sau khi hết dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25.2.2020 về đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch đề nghị các sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc triển khai theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại Hàn Quốc và một số thị trường gửi khách du lịch đến Việt Nam, khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tạm dừng các đoàn khách du lịch tới thành phố Daegu, tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) và những khu vực có dịch, khu vực hạn chế đi lại theo công bố của chính quyền sở tại và Chính phủ Việt Nam, không đón khách du lịch từ khu vực có dịch vào Việt Nam.

Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp lữ hành phải thông báo tới các đối tác, doanh nghiệp và du khách quy định của Việt Nam về việc thực hiện cách ly 14 ngày đối với khách du lịch đã đi qua hoặc đến từ thành phố Daegu, tỉnh Gyeongsangbuk và khu vực có dịch.

Chương trình kích cầu du lịch quốc tế sẽ được triển khai từ tháng 4 

Chương trình kích cầu du lịch quốc tế và nội địa khôi phục thị trường khách sau dịch COVID-19 vừa được Tổng cục Du lịch (TCDL) ban hành. Ngày 25.2.2020, Tổng Cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh gửi Công văn số 162/TCDL-TTDL tới các sở quản lý du lịch, các Hiệp hội Du lịch (HHDL), các doanh nghiệp du lịch đề nghị tích cực tham gia Chương trình kích cầu du lịch quốc tế và nội địa này. Theo đó, chương trình kích cầu du lịch nội địa với thông điệp “Việt Nam an toàn” sẽ được triển khai trên phạm vi cả nước, thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2020. Đợt cao điểm dành cho khách du lịch nội địa dịp nghỉ hè, áp dụng với hành trình nội địa triển khai cho chương trình khởi hành trước ngày 31.5.2020.

Chương trình kích cầu du lịch quốc tế sẽ được triển khai từ tháng 4 - tháng 12 năm 2020 với thông điệp “VietnamNOW”, ưu tiên tại các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, Nga, Australia và Châu Âu. Chương trình bắt đầu từ sự kiện giải đua xe công thức 1 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3-5.4.2020. H.M

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn