MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh do CGV cung cấp.

“Tenet” là một siêu phẩm hay phần nào thất vọng?

Việt Văn LDO | 06/09/2020 13:00

Chờ đợi và kỳ vọng, “bom tấn” Hollywood đầu tiên trong thời COVID-19 “Tenet” của “quái kiệt” Nolan được quảng cáo rùm beng, kinh phí 225 triệu đôla Mỹ, quay ở 6 quốc gia. Và kết thúc 150 phút dài dằng dặc là 2 luồng ý kiến khen chê lẫn lộn..

“Xả xì trét”

Nếu nhìn vào các suất chiếu dày đặc ở các rạp chiếu ở Việt Nam mới thấy sức hấp dẫn của “Tenet” và quả thật, phòng chiếu kín 3/4 rạp, hầu hết là các đôi trẻ đến coi. Và thực sự “Tenet” ngay tuần đầu công chiếu đã tạm thời cứu vớt doanh thu phòng vé vốn dĩ ảm đạm từ thời COVID-19, với hơn 100.000 lượt khán giả ra rạp, đứng đầu doanh thu các phim của đạo diễn Christopher Nolan từng chiếu tại Việt Nam.

Trong thời buổi nhiều bất ổn mà cụm từ tiếng Anh được nhắc đến nhiều là “uncertain time” thì 150 phút giải trí với nhiều pha hành động khốc liệt, nổ súng bắn nhau ầm ầm, những khung cảnh hùng vĩ, hay cái đẹp của một cuộc sống bề bộn và đầy màu sắc của các quốc gia, thoáng qua nhưng kịp lưu vào thị giác của khán giả. Trong đó 2 từ “Việt Nam” được nhắc đến mấy lần như một biểu tượng của một đất nước bình yên nhất thế giới dù trong phim chỉ là cảnh du thuyền trôi nổi trên vịnh Hạ Long… thì cũng góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Những “fan” màn bạc vốn hâm mộ Nolan thì khen phim lạ, hấp dẫn và bí ẩn. Đúng là ý tưởng về đảo ngược thời gian là khá dị, dù đây không phải là phim đi đầu. Song Nolan đã tưởng tượng thêm là một hành động sẽ xảy ra theo ý chí nữa, như khi ai đó muốn bắn vào cái gì đó thì khi bạn bóp cò, viên đạn sẽ bay từ tương lai về khẩu súng của bạn. Thêm nữa, “Tenet” là một tác phẩm khoa học viễn tưởng hoàn toàn phi logic nhưng lại gây tranh cãi về bao ẩn số. Trước hết, nhân vật chính đã chết hay còn sống?

Cảnh phim ở đường ray xe lửa ngay phần mở đầu “Tenet” làm nảy ra giả thuyết nhân vật chính thực sự đã chết sau khi tự tử ở thời điểm này. Khán giả đoán rằng nhân vật chính bằng cách nào đó đã được trao cho một cơ hội sống thứ hai để làm nhiệm vụ lịch sử. Giả thuyết này giải thích cho câu thoại “Chào mừng đến kiếp sau” khi nhân vật chính tỉnh dậy và được biết mình vẫn còn sống. 

Cuối phim, khán giả biết nhân vật chính là người làm chủ vòng lặp thời gian và không làm việc cho ai ngoài chính mình. Điều này càng khẳng định tổ chức điệp viên chiêu mộ anh ở đầu phim cũng chính do anh lập ra và chi phối chính mình trong quá khứ.

“Tenet” có phải là phần tiếp theo của “Inception”, điều này cũng chưa rõ ràng dù mối liên hệ mật thiết giữa hai bộ phim cách nhau một thập kỷ của Christopher Nolan, nhất là khi “Inception” được tái phát hành ngay trước khi “Tenet” ra mắt...

Và phần nào thất vọng

Xem “Tenet” cũng nhiều khán giả đoạn cuối phải ngủ gà gật vì dài lê thê đến sốt ruột, trong đó nhiều cảnh bắn nhau, giết nhau có thể cắt gọt bớt. Và đến cảnh cuối bắn nhau, nhiều người tự hỏi: Phe nào đang bắn phe nào? Họ bắn nhau vì lý do nào là chủ đạo?

Thực ra ý nghĩa của phim thì hay, con người vì quá tham lam mà gây ra mọi chuyện xấu xa. Nếu đảo ngược lại thời gian, con người làm nhiều việc tốt hơn thì kết quả sẽ tốt hơn. Nhưng cách thể hiện quá dài dòng và đôi khi gây cảm giác hỗn loạn. “Inception” bề ngoài hỗn loạn nhưng thực tế lại rất rành mạch, còn “Tenet” lại không đạt tới sự rành mạch ấy.

Việc nhân vật gần như không có bối cảnh quá khứ, kể cả nhân vật chính do nam diễn viên John David Washington thủ vai chưa hẳn đã là điểm mạnh của phim. Điều đặc biệt trong phong cách làm phim của Christopher Nolan là hạn chế tối đa kỹ xảo vì theo ông “kỹ xảo dù có hoàn hảo đến đâu, trong tương lai nó cũng sẽ trở nên lỗi thời, thế nên những gì chân thật nhất mới trường tồn với thời gian”. Từ những cảnh cháy nổ, những cảnh đua xe mãn nhãn, cho tới tông thẳng máy bay Boeing 747 vào một tòa nhà, tất cả hoàn toàn được thực hiện thật. Tuy nhiên, như một số bạn xem tinh mắt thấy rõ là cái máy bay đó còn sửa lại và dùng được bình thường, chỉ tốn ít tiền sửa chứ không như quảng cáo…

Là “bom tấn” Hollywood đầu tiên mạo hiểm công chiếu rộng rãi trên toàn cầu sau khủng hoảng COVID-19, siêu phẩm với kinh phí sản xuất lên tới 225 triệu USD của “quái kiệt” Christopher Nolan với sứ mệnh lớn lao “mang trong mình niềm hy vọng” của ngành công nghiệp rạp chiếu toàn thế giới vốn đang cực kỳ bấp bênh sau nửa năm trời ảm đạm. Và đó còn như phép thử mang tính quyết định cho số phận hàng loạt “bom tấn” khác đang chờ ngày tung ra rạp như “Wonder Woman 1984” (Wonder Woman 1984: Nữ thần chiến binh”, “No Time To Die” (Không phải lúc chết) hay “Dune” (xứ Cát)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn