MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Niên (90 tuổi) chia sẻ về những đổi thay trong quan niệm, cách tổ chức cúng ngày Tết Đoan Ngọ theo thời gian. Ảnh: Trần Tuấn.

Tết Đoan Ngọ đổi thay theo thời gian trong mắt người thế hệ xưa

TRẦN TUẤN LDO | 22/06/2023 17:12

Hà Tĩnh - Theo thời gian, quan niệm và cách thức ăn Tết Đoan Ngọ của người dân đã có nhiều đổi thay, nhiều người không còn niềm tin “diệt sâu bọ” như ngày xưa nữa.

Bà Nguyễn Thị Niên (90 tuổi, trú thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) trong ngày Tết Đoan Ngọ năm nay chỉ mua ít trái cây đặt lên bàn thờ gia tiên rồi thắp nén hương khấn vái mời tổ tiên hưởng lễ vật là xong.

Khi được hỏi vì sao làm đơn giản thế, bà Niên cười rồi kể: Trước đây vào thời bà còn trẻ, làm nông nghiệp như ngô, lúa, đậu, vừng... đều phụ thuộc vào thời tiết, gọi là “nhờ trời”. Thời tiết mưa thuận gió hòa, ít  sâu bệnh thì cho năng suất cao, ngược lại, thời tiết bất lợi, sâu bệnh nhiều thì mùa màng “mất trắng”.

“Khi chưa có kênh thủy lợi tưới tiêu chống hạn, chưa có thuốc sâu, thuốc cỏ nông dân đói kém, dễ mất mùa nhiều nên có niềm tin vào thần thánh, vào trời đất. Bởi thế mà người ta rất coi trọng, chu đáo làm mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ để nhờ trời đất phù hộ cho mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại. Nay thì khoa học phát triển, có thuốc trừ sâu bệnh, cỏ dại, thủy lợi phát triển đồng áng đầy nước gần như mùa nào cũng được mùa, cũng năng suất cao nên không còn niềm tin nhờ trời đất, nhờ thần linh nữa” - bà Niên chia sẻ.

Bà Niên kể, trước đây sau khi thu hoạch lúa xong, mọi gia đình chưa dám ăn gạo mới mà phải cất để chờ đến ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch mới đưa gạo mới ra cúng, rồi mới bắt đầu được ăn gạo mới dù cho đã hết sạch gạo ăn từ nhiều ngày trước.

Năm nay là năm nhuận âm lịch nên Tết Đoan Ngọ chậm lại, mùa màng đã thu hoạch xong, đã gieo cấy vụ mới lúa lên xanh tốt. Ảnh: Trần Tuấn.

Đó là chuyện của quá khứ, còn nhiều năm nay gia đình bà Niên cứ vào vụ thu hoạch lúa xong là xay xát lúa mới ăn cho ngon cơm dù gạo cũ vẫn còn đầy chum mà chẳng cất dành để cúng Tết Đoan Ngọ nữa. Ngày Tết gia đình bà cũng chẳng mấy khi soạn tiệc mặn cúng nữa mà chỉ mua đĩa trái cây thắp hướng cho đơn giản.

“Trước đây vào ngày Tết Đoan Ngọ, đúng vào giữa trưa chính ngọ, nhiều người đi hái những cây có vị thuốc nam như ngải cứu, diếp cá, hương nhu, mã đề... đem rửa sạch phơi khô cất để dành khi đau ốm đưa ra dùng với niềm tin hái lá thuốc vào ngày đó hiệu quả chữa bệnh sẽ cao hơn” - bà Niên nhớ lại và thừa nhận quan niệm một thời như thế có phần chưa đúng, mang màu sắc mê tín.

Dâng mâm cúng Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình ông Trần Quốc Tịch (65 tuổi, ở thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) bày lễ gồm một nồi cháo chè, một đĩa thịt lợn luộc và một đĩa trái cây, ít trầu cau, một chai rượu nhỏ, một ấm nước chè xanh.

Ông Tịch bày mâm cỗ đơn giản cúng Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Trần Tuấn.

Thắp nén hương cúng Tết Đoan Ngọ, ông Tịch mời tổ tiên hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Theo ông Tịch, trước đây khi các con của ông đang ở nhà đông đủ thì mỗi dịp Tết Đoan Ngọ gia đình thường làm thịt từ 2 - 3 con vịt để quây quần ăn uống một bữa thật no say, gọi là liên hoan sau khi kết thúc một mùa vụ làm nông vất vả.

Thế nhưng, nhiều năm nay con cái đã lớn lập gia đình, đi làm ăn xa nên ngày Tết Đoan Ngọ gia đình ông cũng làm đơn giản, có khi chỉ mua đĩa trái cây thắp hương gọi là có thành tâm là được, không cầu kỳ lễ vật nhiều và ăn uống nhiều như trước nữa.

Vịt nhiều nông dân nuôi được nên là thịt vịt là món ăn được ưu tiên trong ngày Tết Đoan Ngọ ở nông thôn. Ảnh: Trần Tuấn.

Hỏi vì sao nhiều nông dân hay chọn làm thịt vịt ăn vào dịp Tết Đoan Ngọ, ông Tịch giải thích vì với nông dân vịt là phổ biến, giá rẻ lại dễ mua. Thịt vịt lại đánh tiết canh ăn mát nên được nhiều gia đình lựa chọn ăn vào dịp Tết Đoan Ngọ đang cao điểm vào mùa hè nắng nóng để "hạ nhiệt" cơ thể thôi.

“Rõ ràng là theo thời gian, quan niệm, niềm tin tâm linh và cách thức ăn Tết Đoan Ngọ cũng đã khác trước nhiều. Giờ đơn giản hơn, thậm chí nhiều gia đình đã không duy trì cúng lễ vào ngày này nữa” - ông Tịch chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn