MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đồng bào thiểu số Pa Cô mang trang phục truyền thống múa hát trong ngày Tết mừng lúa mới. Ảnh: HT.

Tết mừng lúa mới “đoàn tụ” của dân làng Kêr 2

HƯNG THƠ LDO | 13/02/2021 16:23

Đối với người đồng bào thiểu số Pa Cô, Tết mừng lúa mới không chỉ là dịp để tạ ơn thần linh phù hộ một vụ mùa no ấm, mà còn là dịp để bà con sum vầy.

Sau khi thu hoạch xong mùa màng, người đồng bào Pa Cô sinh sống ở khu vực huyện miền núi Hướng Hóa, huyện miền núi Đakrông (tỉnh Quảng Trị) và huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) thường tổ chức Tết mừng lúa mới.

Ngày rằm tháng chạp, ở làng Kêr 2 (xã Hồng Thủy, huyện A Lưới), con cháu của các dòng họ tập trung về đây để tham dự Tết mừng lúa mới. Già Kôn Be – trưởng dòng họ A Kiêng ở xã Hồng Thủy cho biết, không phải năm nào bà con cũng tập trung về đây, mà tùy vào sự thống nhất của các dòng họ.

Lễ vật dùng trong Tết mừng lúa mới. Ảnh: HT.

Trước ngày tổ chức Tết mừng lúa mới, con cháu dòng họ A Kiêng tập trung đông đủ. Phụ nữ thì dùng nếp trồng trên rẫy và lá cây đót để gói bánh sừng trâu. Loại bánh này không thể thiếu trong các nghi lễ của đồng bào Pa Cô. Phụ nữ làm bánh, còn thanh niên thì chẻ tre, đan lát để làm liếp nướng thịt, nấu cơm lam.

Trước đêm diễn ra Tết mừng lúa mới, con cháu cả làng tập trung về một khoảng sân rồi làm lễ cảm tạ các vị thần đã giúp đỡ để có một vụ mùa tốt tươi, phù hộ một vụ mới sức khỏe tràn đầy, lúa thóc đầy kho. Trong đêm, dân làng mặc trang phục truyền thống tập trung ca hát, đánh cồng chiêng và cùng nhau nhảy múa.

Người dân tập trung ở sân để làm lễ. Ảnh: HT.

Và đến sáng sớm hôm sau, mọi người thức dậy để nấu cơm lam. Sau đó nghi thức chính của Tết mừng lúa mới diễn ra, đó là lễ hiến tế. Trong khoảng sân cộng đồng rộng chừng 100m2, những cây gỗ lớn dài khoảng 1,2 đến 1,5m được dựng lên, bên cạnh buộc những cây tre được tạo hình thành hoa tre.

Theo phong tục, mỗi họ tộc sẽ góp trâu, bò, dê để làm lễ dâng lên các vị thần, nhưng nay thì lễ vật tuỳ tâm, phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi họ tộc chứ không bắt buộc. Cùng với lễ vật là trâu, hoặc bò, hoặc dê, hoặc gà thì không thể thiếu tấm thổ cẩm của người Pa Cô.

Theo già Kôn Be, ngày trước, các già làng tổ chức đâm trâu, bò để hiến tế ngay tại sân này, thịt trâu bò cũng bắt buộc phải ăn hết. Nhưng hiện nay, người dân được mang trâu bò, dê về nhà để giết thịt, ngoài một phần nhỏ để cúng lễ, phần lớn còn lại, người dân được bán để giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Tết mừng lúa mới là cơ hội để con cháu ở xa tập trung về quê. Ảnh: HT.

Sau nghi lễ ở sân, nghi thức của Tết mừng lúa mới diễn ra với các lễ cúng, mời thần lúa, thần đất, thần rừng... về chứng kiến thành ý của bà con trong dòng họ. Tiếp đó là lễ cúng tổ tiên trong nhà, cầu gia đình được bình an, xui xẻo qua đi, điều may mắn đến. Nghi lễ cuối cùng là cầu sức khỏe cho người sống.

Quê ở huyện A Lưới, dịp này bà Hồ Thị Loan (trú tại xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) trở về đây để cùng đón Tết mừng lúa mới. “Ngày thường thì khó có cơ hội về quê, nay có Tết mừng lúa mới, trở về gặp được bà con, họ hàng, chung vui mấy ngày rất vui” – bà Loan, cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn