MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nói về Tết ông Công, ông Táo góp phần an tỏa nét đẹp văn hóa Việt. Ảnh: T.Vương

Tết ông Công, ông Táo không nên nặng nề về hình thức, lễ vật

Phạm Đông LDO | 17/01/2020 10:47
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, phong tục làm lễ tiễn ông Công, ông Táo  thực hiện đúng mực sẽ góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống hiện nay, không nên nặng nề về hình thức, lễ vật và phải bảo vệ môi trường.

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà lại sắp mâm cơm, mua cá chép, hương hoa về làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Đây được xem là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay.

Năm nay, ngày lễ cúng ông Công, ông Táo không vào ngày nghỉ, nên các phần việc chuẩn bị cho ngày Tết khởi đầu mùa lễ Tết truyền thống được nhiều gia đình lên kế hoạch từ sớm. Mỗi gia đình sẽ làm lễ tiễn ông Công ông Táo vào ngày này với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng.

Trao đổi với Lao Động ngày 17.1, nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, việc mỗi gia đình đang duy trì mỹ tục cúng ông Công, ông Táo sẽ góp phần bồi đắp, trao truyền, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống hiện tại.

Theo tiến sĩ Hồng, trong quan niệm của người Việt, ông Công, ông Táo (hay Vua bếp) là những vị thần định đoạt cát, hung, phước đức cho gia đình. Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.

Mặc dù mỗi gia đình, địa phương đều có những cách bày biện mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo mang đặc trưng riêng nhưng bộ mũ ông Công, ông Táo và cá chép là những lễ vật không thể thiếu.

"Tết ông Công, ông Táo thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của mỗi gia đình với vị thần đã mang đến cho con người những điều hạnh phúc. Ông Công, ông Táo chính là định phúc gia chi chủ, được coi là phúc thần che chở cho khát vọng hạnh phúc của con người. Không những vậy, đây còn được xem là vị thần giúp cho con người nấu chín thức ăn, góp phần xây dựng tổ ấm của mỗi gia đình" - tiến sĩ Hồng cho hay.

Người dân Thủ đô thả cá chép tiễn ông Công, ông táo về trời.

Cũng theo tiến sĩ Hồng, ngày nay việc cúng ông Công, ông Táo đang đặt ra nhiều vấn đề. Việc thả túi nilon, đốt vàng mã rồi thả xuống sông nước đang làm ô nhiễm môi trường. Do vậy, mỗi người hãy hiểu lễ cúng là sự thành tâm, chứ không chỉ là lễ vật.

Do vậy, tiến sĩ cho rằng mỗi người cần hiểu đúng ý nghĩa đích thực của Tết ông Công, ông Táo. Đây là một ngày mà con người tỏ lòng tri ấn đến các vị thần trong suốt một năm qua và đón năm mới. Mọi người hãy đơn giản hóa, không cầu kỳ về lễ vật, không nặng nề về hình thức hay có sự ép buộc.

Tiếp đó, cần cân bằng được việc thực thi lễ nghi với bảo vệ môi trường. Nếu làm được những điều này, giá trị của Tết ông Công, ông Táo sẽ được lưu truyền, góp phần bồi đắp, trao truyền, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

"Việc một đầu thả cá, một đầu lại bắt cá đã làm thế tục hóa nghi lễ, làm mất tính thiêng. Điều này rất đáng lên án, phê phán của những người làm sai. Khi thả cá thì cần đúng cách, mọi người cũng nên thả ở những nơi có nước trong. Từ đó giúp cá có môi trường sống, đừng bức tử cá và bức tử môi trường", tiến sĩ Hồng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn