MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình Minh Tiệp đón giao thừa mỗi dịp Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tết truyền thống trong sự tương quan với Tết xê dịch

Huyền Chi LDO | 24/01/2024 08:45

Biến động và thay đổi của Tết đang diễn ra, thầm lặng nhưng mạnh mẽ. Nếu thế hệ 7X, 8X chỉ mong về nhà đón Tết theo cách cổ truyền, giới trẻ và gen Z ngày nay lại mê Tết dịch chuyển, đến những miền đất xa để trải nghiệm, nghỉ ngơi.

Nhiều cách để khởi động năm mới

Trong tâm thức của người Việt, Tết cổ truyền là thời khắc thiêng liêng. Dịp Tết gắn với giây phút đoàn viên, những bữa cơm quây quần và không khí sum vầy đầu năm mới.

Với xu thế hội nhập, những ngày nghỉ Tết được nhiều người tận dụng để đi du lịch, du xuân, trải nghiệm văn hóa ở một nơi xa.

“Xách ba lô lên và đi” là cách thưởng thức một cái Tết rất riêng, một xu hướng mới rộ lên những năm qua.

Không ít nghệ sĩ cũng cùng gia đình đi du lịch dịp Tết Nguyên đán, nhưng lựa chọn thời điểm sau đêm giao thừa hoặc cuối tháng Giêng. Gia đình Hồ Ngọc Hà, Tăng Thanh Hà, Minh Hằng, Lý Hải, Phương Oanh, Chi Pu... từng trải nghiệm đón năm mới ở một nơi xa.

Ca sĩ Hồ Quang Hiếu là một “tín đồ” mê xê dịch, đã thăm thú nhiều nơi nhưng anh cũng tránh đi du lịch đúng dịp Tết vì đông người, giá cả tăng vọt, vé máy bay khan hiếm, các thủ tục thị thực và xuất nhập cảnh, hành lý cũng mất nhiều thời gian hơn. Vì vậy, nam ca sĩ lựa chọn chuyến du lịch đầu tiên trong năm mới vào khoảng cuối tháng Giêng để thuận lợi cho hành trình đầu năm.

Việc đón Tết cùng gia đình hay đi du lịch ngày Tết vẫn là chủ đề nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Có người cho rằng, một chuyến đi xa là cách tự thưởng sau một năm làm việc vất vả, một năm cũng có nhiều dịp về thăm bố mẹ. Hành trình đầu năm có thể tái tạo năng lượng, “sạc đầy” năng lượng, mang đến cho con người sự háo hức, phấn khích.

Với nhiều người sống ở Hà Nội, du xuân đơn giản là mặc thật đẹp, ra Hồ Gươm chụp ảnh vào buổi sáng mùng 1 Tết. Giờ đây, du xuân hiện đại với nhiều gia đình trẻ hiện nay là đi dọc đất nước, những cuộc khám phá trời Âu hay chuyến đi đến vùng lạnh ở châu Á.

Tết cổ truyền là Tết đoàn viên

Hơn tất cả, với nhiều nghệ sĩ Việt, được đón Tết truyền thống cùng gia đình, lo sắm sửa Tết với bố mẹ chính là niềm vui lớn nhất mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Chia sẻ với Báo Lao Động về thói quen ngày Tết, diễn viên Bảo Hân cho biết, 23 năm trôi qua, cô luôn dành nhiều thời gian cho gia đình. Cô nói: “30 Tết, tôi không đi chơi đâu cả, tôi sẽ chỉ ở nhà xem bắn pháo hoa cùng ông bà và bố mẹ. Sau đó, mọi người trong gia đình ngồi quây quần bên nhau, lì xì may mắn và ăn cỗ trong đêm giao thừa. Thói quen trong đêm 30 Tết luôn được gia đình gìn giữ. Mọi người có thể mở lon bia, trò chuyện, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới”.

Dù sống cùng gia đình nhưng được bên cạnh người thân trong thời khắc đặc biệt luôn mang lại cảm xúc mãnh liệt cho Bảo Hân. Với cô, sau một năm bận rộn với công việc, cuộc sống riêng, Tết là kỳ nghỉ mà các thành viên trong gia đình đều mong chờ.

Giống với Bảo Hân, diễn viên B Trần cũng luôn đón Tết cổ truyền cùng gia đình ở Hà Nội.

“Từ trước đến nay, dù có vào TPHCM làm việc, tôi vẫn luôn quan niệm không gian Tết phải gắn liền với gia đình. Năm nào tôi cũng hoàn thành công việc sớm để về nhà”, B Trần tiết lộ.

Diễn viên Minh Tiệp cũng có niềm yêu thích đặc biệt với Tết truyền thống, luôn dành thời gian cho gia đình trong khoảng thời gian này.

Tết đến, mọi con đường đều dẫn về nhà. Người đi xa mong về quê, người ở nhà mong ngóng những người con xa quê trở về. Người trẻ sống bằng tương lai, người già sống bằng quá khứ. Do đó, hạnh phúc của ngày Tết không phục vào việc đi hay ở, mà tùy vào cách mỗi gia đình định nghĩa về sự chữa lành, tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn